"Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến mất an ninh và bất ổn trong khu vực", tuyên bố chung của ba nước được Bộ Ngoại giao Anh công bố viết.
Ba nước châu Âu kêu gọi các nước ven biển trong khu vực thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, "bao gồm các quyền liên quan đến các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ, sự tự do và quyền đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông".
Tuyên bố nhấn mạnh với tư cách các bên ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), các bên liên quan cần đảm bảo thỏa thuận được áp dụng một cách toàn diện.
Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Wayne E. Meyer (DDG 108). Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Công ước này đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó tất cả các hoạt động ở các đại dương và biển bao gồm cả Biển Đông phải được thực hiện và tạo cơ sở cho sự hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải", tuyên bố nói thêm.
Hải quân Mỹ đã đưa tàu tiến sát khu vực 12 hải lý của hai đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông hôm 28/8, một phần của "hoạt động tự do hàng hải".
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8 lên án các hành vi quấy rối, đe dọa của Trung Quốc đối với hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí của Việt Nam và Malaysia tại Biển Đông.
Người phát ngôn Morgan Ortagus lên án "sự can thiệp liên tục vào các hoạt động khai thác dầu khí và khí đốt từ lâu của Việt Nam", cho rằng việc này "làm dấy lên quan ngại về cam kết của Trung Quốc... đối với một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông".
Bộ Ngoại giao ngày 16/8 đã phản đối việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói.