Theo Independent, tờ tiền này không chỉ phù hợp với các loại máy rút tiền hiện tại mà còn có độ bền cao hơn, sạch hơn và khó làm giả hơn.
“Việc sử dụng chất liệu polymer giúp đồng bảng có thể lành lặn sau nhiều lần gập trong ví, đút vào túi hay quay trong máy giặt. Chúng tôi hy vọng thời gian sử dụng của nó có thể gấp đôi so với đồng 5 bảng cũ, giúp giảm chi phí sản xuất trong tương lai”, Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Anh, nói.
Đồng 5 bảng mới làm bằng chất liệu polymer của Anh. Ảnh: Joe Giddens |
Trước đó, một số chuyên gia kinh tế cảnh báo tờ tiền mới có thể khiến người tiêu dùng chịu thiệt hại khi vô tình kẹp díp, bởi những tính chất của polymer. Tuy nhiên, Ngân hàng Anh khẳng định tình trạng kẹp díp chỉ thỉnh thoảng xảy ra và sẽ chấm dứt qua một vài lần sử dụng.
440 triệu tờ 5 bảng Anh mới đã được in tuy nhiên, phải mất vài tuần để chúng có thể nằm trong ví tiền của mọi người cũng như các máy rút tiền.
Victoria Cleland, thủ quỹ chính của Ngân hàng Anh, cho hay người dân có thể tìm thấy những tờ 5 bảng mới tại các trung tâm buôn bán lớn. Người dân vẫn có thể sử dụng tờ 5 bảng cũ đến khi nó rút khỏi lưu hành vào tháng 5/2017.
Quốc đảo sương mù cũng lên kế hoạch phát hành đồng 20 bảng mới. Hồi tháng 4, Ngân hàng Anh đã công bố thiết kế mới và dự định lưu thông vào năm 2020.
Diện mạo mới của đồng bảng đồng nghĩa với việc Anh gia nhập danh sách hơn 30 nước sử dụng tiền polymer. Năm 1988, Australia là quốc gia đầu tiên khởi động chương trình sử dùng tiền làm bằng chất liệu nhựa, tiếp theo là các nước New Zealand và Singapore.
Năm 2003, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu phát hành loại tiền làm bằng chất liệu polymer và lưu hành song song với tiền giấy làm bằng cotton nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ về cơ cấu mệnh giá (thêm loại tiền có mệnh giá lớn), chủng loại, đồng thời nâng cao chất lượng.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng ngừng in loại tiền giấy làm bằng cotton khác kể từ khi sản xuất tiền mới bằng vật liệu polymer.