Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam sẽ phải chống đỡ tỷ giá sau khi Anh rời EU

Thị trường Anh chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch XK của Việt Nam, nên tác động của Brexit là không nhiều. Tuy nhiên những ảnh hưởng gián tiếp mới thực sự là nỗi lo trong dài hạn.

Người dân Anh đã quyết định rút khỏi EU. Nhiều nhận định cho rằng, Việt Nam không mấy ảnh hưởng vì tỷ lệ giao thương giữa hai nước vẫn chưa thực sự lớn. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia, những ảnh hưởng gián tiếp trong ngắn hạn là không nhỏ.

Chống đỡ với tỷ giá

Trước mắt, Việt Nam phải chống đỡ với tình trạng rối loạn tỷ giá trong ngắn hạn. Không quá liên quan tới đồng bảng Anh, nhưng khi đồng tiền này sụt giảm, sẽ tạo điều kiện cho những đồng tiền khác lên giá. Quan sát chỉ hai ngày qua, đồng yên đã tăng giá lịch sử. Cụ thể, đồng yên Nhật đã tăng 6,1%, một mức tăng lớn nhất kể từ năm 1998. So với đồng bảng Anh, đồng yên tăng kỷ lục 15%.

Rõ ràng mức tăng đột biến này đang được trợ lực từ quyết định rời khỏi EU của Anh. Bởi thời điểm hiện tại, kênh đầu tư an toàn nhất vẫn là vàng và đồng yên. Dẫu vậy khi đồng yên khởi sắc lại đặt Việt Nam vào một thế khó, vì đây là đồng tiền chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khoản nợ của Việt Nam (chiếm 40%).

Anh roi khoi EU,  tac dong cua Brexit toi Viet Nam anh 1
Tỷ giá đang là vấn đề tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam sau khi Anh rời khỏi EU

Áp lực nợ công đang đè nặng hơn và thực trạng thâm hụt ngân sách vốn là rất lớn, nếu đồng yên lên giá thì gánh nặng này tăng lên bất dắc dĩ. Chưa kể các ngành nghề đầu tư sử dụng vốn vay từ đồng yên cũng ảnh hưởng vì nặng về chi phí giá vốn.

Mặc dù không phải là đối tác quá lớn xét về tổng quan ngành kinh tế, tuy nhiên chuyện Anh rời EU sẽ tác động không nhỏ đến các ngành xuất khẩu chủ lực. Quan trọng hơn là đà tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng tốt sẽ bị chặn đứng.

Theo Financial Times, việc Anh rời châu Âu sẽ khiến những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Anh tính trên GDP cao như Campuchia, Việt Nam hay Hong Kong (Trung Quốc) sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất.

Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt mức kỉ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu vào khu vực EU. Việt Nam cũng đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD trong năm tháng đầu năm 2016.

Với giá trị xuất khẩu trong năm 2015 được nêu trên, nếu nhập khẩu của Anh giảm 10% thì giá trị tuyệt đối ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sẽ là 460 triệu USD, tương ứng 0,23% GDP.

Như vậy, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác động nhất định mang tính gián tiếp về tỷ giá và dòng vốn. Quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào EU nói chung và Anh nói riêng sẽ bị chặn lại, gián tiếp tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Nguy cơ khởi động lại EVFTA

Ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam nếu Anh rời khỏi EU chính là triển vọng Hiệp định thương mại FTA giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Hiệp định thương mại này với rất nhiều thỏa thuận phức tạp, đã được ký kết vào tháng 12/2015, công bố rộng rãi từ đầu tháng 1 năm nay.

Tuy nhiên do hiệp định này chưa được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu, nên đàm phán có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU không có nước Anh.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh: “Việc trì hoãn thực thi EVFTA là điều khó tránh khỏi, vì FTA này vẫn chưa thông qua bởi Nghị viện châu Âu. Khi Anh đã rời khởi EU thì chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, và sẽ phải mất thời gian để sử đổi bổ sung các điều khoản.

Việc trước mắt trong ngắn hạn là Việt Nam nên tập trung vào đối phó với biến động tỷ giá, để tránh những hệ quả tiêu cực tác động đến toàn nền kinh tế”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển có cái nhìn lạc quan hơn khi nhìn nhận chuyện Anh rời EU. Theo ông Hiển, thị trường tài chính vốn nhạy cảm với các thông tin vĩ mô có thể có những phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn. Bằng chứng là vàng, chứng khoán đã ngay lập tức biến trong mạnh khi thông tin được công bố.

Tuy nhiên, giá cũng dần ổn trở lại ngay trong ngày. Ông Hiển cho rằng, với giá vàng, nhà đầu tư không nên lo lắng, giá vàng Việt Nam về cơ bản sẽ đi theo giá thế giới. Theo đó, giá vàng thế giới sau những biến động hiện thời sẽ quay về mốc dưới 1.200 USD/Ounce, vàng trong nước cũng sẽ không trụ được mức 35 triệu/lượng nếu không có những biến động đáng kể.

Chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ có vài cơn sóng ngay trong quý III này, nhưng chỉ số VN-Index chốt năm 2016 cũng chỉ quanh mốc 620 điểm.

 

Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm