Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ảnh hưởng từ Anh rời EU, dân bang Texas muốn tách khỏi Mỹ

Ảnh hưởng từ kết quả trưng cầu dân ý về Anh rời EU Brexit, những người ủng hộ ly khai ở bang Texas, Mỹ quyết liệt vận động cho cuộc lấy ý kiến tương tự diễn ra tiếp theo ở nơi này.

Daniel Miller, Chủ tịch Phong trào chủ nghĩa dân tộc Texas (TNM), cho rằng cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Anh có thể trở thành hình mẫu để người dân bang Texas hướng tới.

Vốn là quốc gia độc lập từ 1836 - 1845, nền kinh tế trị giá 1,6 nghìn tỷ USD mỗi năm, nên các nhóm đòi ly khai nói Texas sẽ trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu tách khỏi Mỹ.

"TNM chính thức kêu gọi thống đốc bang Texas tiến hành cuộc bỏ phiếu tương tự dành cho người dân Texas", Reuters dẫn tuyên bố của phong trào này. Văn phòng Thống đốc Greg Abbott chưa đưa ra bình luận.

bang Texas muon tach khoi My anh 1
Ảnh hưởng từ Brexit, nhiều người dân bang Texas cũng muốn tách khỏi Mỹ. Ảnh: AP

Đầu năm nay, TNM đã thất bại trong việc vận động tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 11.

Tuy nhiên, sau cuộc bỏ phiếu ở Anh vừa qua, Miller nói họ sẽ tiếp tục vận động cho mùa bầu cử vào năm 2018. "Chiến thắng của Brexit mở cánh cửa cho phong trào Texit hướng đến những cuộc đối thoại cụ thể về vấn đề độc lập, để người dân được cất tiếng nói", ông Miller nói.

Từ khóa Texit (Texas exit, tương tự Brexit để chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu) có xu hướng gia tăng tại Mỹ trong ngày 24/6. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn so với Brexit là Texit chưa có sự ủng hộ của giới chính trị gia cao cấp.

Ngày 24/6, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland chính thức công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử rằng người Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả cuối cùng, số người ủng hộ Anh rời EU là 17,4 triệu cao hơn 4% so với 16,1 triệu người chọn việc ở lại với khối.

Texas trước khi trở thành một tiểu bang của Mỹ từng là một nước có chủ quyền tại Bắc Mỹ, tồn tại từ năm 1836 đến 1845. Nó thành lập trên cơ sở một nước ly khai từ Mexico sau cuộc Cách mạng Texas. Sau khi tách khỏi Mexico, Cộng hoà Texas muốn gia nhập liên bang Mỹ dù Mexico vẫn tuyên bố chủ quyền. Ngày 29/12/1845, Texas chính thức trở thành tiểu bang thứ 28 của Mỹ.

Hiện nay, Texas là một trong những tiểu bang có quy mô nền kinh tế lớn nhất Mỹ. Nếu so sánh như một quốc gia, Texas sẽ là nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới xét trên GDP (trên Hàn Quốc và Australia, theo số liệu năm 2014).

Anh rời EU: Tiếp theo sẽ là Pháp, Hà Lan, Thụy Điển?

Giới chính khách thế giới lo ngại rằng, việc cử tri Anh quyết định rút khỏi EU có thể tạo ra hiệu ứng domino ở châu Âu. Nhưng thực tế, không phải nước nào cũng muốn làm theo Anh.

Những lý do phần lớn dân Anh kiên quyết muốn rời EU

Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và tinh thần bài ngoại vì nhập cư vào Anh gia tăng là những nguyên nhân chính khiến phần lớn người Anh bỏ phiếu để nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU).


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm