Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anh hỗn loạn vì Brexit, thủ tướng đối mặt bỏ phiếu bất tín nhiệm

Một ngày sau khi Thủ tướng Theresa May hoãn trình thỏa thuận Brexit, các thành viên đảng Bảo thủ trong quốc hội quyết định tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với thủ tướng Anh.

Động thái này của các thành viên đảng Bảo thủ cho thấy bà May đã không còn có nhiều sự ủng hộ trong chính nội bộ đảng này và khiến cho sự hỗn loạn Brexit đạt đến một tầm cao mới.

Theo Guardian, ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922 (tên đặt cho nhóm các thành viên đảng Bảo thủ trong hạ viện Anh), đã nhận được ít nhất 48 lá thư từ các thành viên trong nhóm này đề nghị tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với lãnh đạo đảng là bà Theresa May.

Dưới điều lệ đảng Bảo thủ, một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ diễn ra nếu ít nhất 15% thành viên đảng ở hạ viện gửi thư đến chủ tịch Ủy ban 1922 thể hiện mong muốn làm điều đó. (Có 315 thành viên đảng Bảo thủ ở hạ viện, 15% của 315 là 47,25 và 48 được coi là cột mốc để điều này diễn ra).

Ông Brady cho biết một cuộc bỏ phiếu chính thức sẽ diễn ra vào tối 12/12 theo giờ London (GMT) và số phiếu sẽ được "kiểm ngay lập tức và kết quả sẽ được công bố sớm nhất có thể".

Trong thông báo chính thức được đưa ra trước báo chí, ông Brady xác nhận: "Ngưỡng 15% thành viên quốc hội muốn một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với lãnh đạo đảng Bảo thủ đã bị vượt qua".

Thu tuong Anh doi mat cuoc bo phieu bat tin nhiem anh 1
Thủ tướng Anh Theresa May trong ngày hôm nay đã có cuộc gặp khẩn cấp với Thủ tướng Đức Angela Merkel để trao đổi về thỏa thuận Brexit, các nhà phân tích cho rằng bà May đang cố gắng tìm kiếm một sự đảm bảo từ EU trong trường hợp thỏa thuận này bị quốc hội Anh từ chối thông qua. Ảnh: Reuters.

Bà May cần sự tín nhiệm của ít nhất 158 thành viên đảng Bảo thủ khác để vượt qua thử thách này. Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không thể đánh bại bà, thủ tướng Anh sẽ an toàn trong ít nhất là 12 tháng nữa. Nếu số phiếu bất tín nhiệm không đủ để ép bà May rời khỏi vị trí thủ tướng, bà May vẫn có thể từ chức nếu đây là một con số tương đối lớn.

Hơn 20 thành viên đảng Bảo thủ ở hạ viện đã công khai xác nhận họ đã gửi thư kêu gọi bà May từ chức để phản đối thỏa thuận Brexit mà thủ tướng Anh đạt được với EU. Trong số này có ông Jacob Rees-Mogg, một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong đảng cùng với cựu bộ trưởng Brexit Steve Baker và những người ủng hộ Brexit như bà Nadine Dorries và ông Andrew Bridgen.

Các thành viên ủng hộ Brexit trong quốc hội Anh đang rất muốn "hất cẳng" bà May sau khi thủ tướng Anh tuyên bố đạt được thỏa thuận với Brussels nhưng lại hoãn việc trình thỏa thuận này để quốc hội thông qua, việc được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/12.

Quyết định gây sốc của bà May được đưa ra sau khi thủ tướng Anh nhận thấy thỏa thuận của bà khó có khả năng được thông qua ở quốc hội, điều này đã dẫn đến việc có thêm nhiều thành viên đảng Bảo thủ tỏ ra mất kiên nhẫn với bà.

Sự phản đối với bà May trong nội bộ đảng Bảo thủ đã bắt đầu từ rất lâu trước đây, và nó từng gia tăng sau khi bà May đưa ra kế hoạch Chequers để vạch ra chi tiết quá trình Brexit nhưng sau đó bị các lãnh đạo EU từ chối ở hội nghị Salzburg. Hàng loạt thành viên nội các của thủ tướng Anh đã từ chức trong thời gian qua.

Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke cho rằng nhiều khả năng quá trình Brexit sẽ bị tạm hoãn nếu có sự thay đổi người đứng đầu chính phủ.

Thủ tướng hoãn trình thỏa thuận Brexit, quốc hội Anh náo loạn

Nhận thấy khả năng thỏa thuận của mình không được thông qua là rất cao, bà May hoãn đưa kế hoạch Brexit ra quốc hội và cho biết bà sẽ quay lại Brussels đàm phán tiếp.

Anh sắp rời đi, nhưng EU sẽ không nhớ họ

Brexit được cho là sẽ đe doạ sự ổn định của EU, nhưng khi quá trình đàm phán kết thúc, người ta lại thấy một EU rất đoàn kết, và có vẻ như mọi thứ không quá tệ với Brussels.

Quốc Thăng

Bạn có thể quan tâm