Sáng 22/10, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị, Quân khu 4 tổ chức tang lễ theo nghi thức quân đội cho 22 liệt sĩ hy sinh tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Đoàn 337).
Gia quyến các liệt sĩ có mặt từ sớm. Họ xếp thành 22 hàng. Vợ, con liệt sĩ đứng đầu, trên tay cầm Bằng Tổ quốc ghi công và di ảnh của chồng, cha mình.
Đại tướng Lương Cường chào vĩnh biệt các liệt sĩ. Ảnh: Việt Hùng. |
"Giữa đất khách quê người mà anh bỏ vợ con. Anh hẹn thứ 7 về với em mà", bà Hoàng Thị Liêm, vợ thượng tá Lê Văn Quế không ngừng khóc trước linh cữu của chồng. Ông Quế là người lính có cấp bậc cao nhất, cũng là người lớn tuổi nhất trong số 22 liệt sĩ.
Liệt sĩ Quế hy sinh khi con trai út đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Con trai anh được cho nghỉ phép để về chịu tang cha.
Đứng trước linh cữu người cháu ruột, thiếu úy Cao Văn Hậu, cán bộ lái xe của Phòng Chính trị (Đoàn 337), tiều tụy sau nhiều đêm không ngủ. Cháu anh là liệt sĩ Cao Văn Thắng. Hai người cùng ở Đoàn 337 trong đêm ngọn núi sạt xuống. Anh Hậu ngủ ở dãy nhà khác nên may mắn thoát nạn.
"Ít giờ trước khi hy sinh, Thắng còn nhắn tin cho chị gái, nhắc đến chuyện sẽ kiếm tiền để sửa nhà, chữa bệnh cho mẹ", anh Hậu đau xót.
Vợ của liệt sĩ Lê Văn Quế. Ảnh: Việt Hùng. |
Từ Lạng Sơn, đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh cùng các cựu chiến binh của Đoàn 337 có mặt tại Quảng Trị để dự tang lễ của những người lính trong đơn vị cũ.
"Hôm nay nhiều cựu chiến binh Đoàn 337 từ TP.HCM, Huế... cũng về đây. Đau xót quá, chúng tôi thấy đơn vị cũ như vậy thì không thể không vào", đại tá Khuỳnh chia sẻ.
Trước khi được chuyển thành Đoàn Kinh tế - Quốc phòng, Đoàn 337 là đơn vị chiến đấu tinh nhuệ, được ví như "Cánh cửa thép" ở mặt trận Lạng Sơn.
Với mái đầu đã điểm bạc, đại tá Khuỳnh kính cẩn nghiêng mình trước các linh cữu. Ông gọi liệt sĩ tuổi mới đôi mươi bằng 2 tiếng "đồng đội".
"Ngày xưa chúng tôi nhìn thấy cái chết nhưng vẫn phải lao vào. Đến giờ là thời bình nhưng các đồng đội vẫn phải chịu rủi ro không lường được", vị cựu chiến binh ngậm ngùi nói.
Không gian phòng tang lễ đậm khói hương. Phía trên cao, dòng chữ "Vô cùng thương tiếc các đồng chí liệt sĩ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ ngày 18/10" được treo trang trọng. Bên dưới, 22 chiếc quan tài được phủ cờ tổ quốc, xếp ngay ngắn thành 2 hàng.
Lễ viếng bắt đầu với 4 vòng hoa chia buồn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Sau đoàn viếng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đoàn Bộ Quốc phòng vào đặt vòng hoa, viếng 22 liệt sĩ.
Thân nhân các liệt sĩ. Ảnh: Việt Hùng. |
Khi vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đi vòng qua các linh cữu, không khí như trầm lắng lại. Phía sau ông là gần 30 vị tướng thuộc Quân ủy Trung ương, các quân chủng không quân, hải quân, cảnh sát biển... Trước mỗi linh cữu, các vị tướng đều đứng nghiêm, đưa tay chào tiễn biệt.
Trước đó, trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã gặp gỡ riêng từng gia đình để gửi lời chia buồn, lắng nghe tâm tư của gia quyến.
Dự kiến, lễ viếng và truy điệu 22 liệt sĩ kéo dài đến 11h35. Sau đó, từng linh cữu được đưa về các gia đình để tổ chức tang lễ tại nhà.
Rạng sáng 18/10, khi các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 vừa trở về doanh trại nghỉ ngơi sau một ngày giúp dân chống lũ, ngọn núi phía sau đơn vị bất ngờ sạt xuống, vùi lấp 3 dãy nhà. 5 cán bộ, chiến sĩ may mắn thoát nạn. 22 người đã hy sinh, trong đó có 3 sĩ quan, 11 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ nghĩa vụ.