Chuyện một cầu thủ 35 tuổi, đã nghỉ thi đấu nửa năm và không còn ở đỉnh cao phong độ như Anh Đức vẫn được hàng loạt CLB trải thảm đỏ không phải tin vui cho tuyển Việt Nam.
Chia sẻ với Zing, Anh Đức xác nhận ngoài HAGL, hàng loạt đội bóng khác như CLB Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Định... đều muốn có sự phục vụ của anh.
Chuyện một cầu thủ 35 tuổi, đã nghỉ thi đấu nửa năm, chỉ có 9 bàn trong 2 mùa vừa qua như Anh Đức vẫn được hàng loạt CLB trải thảm đỏ buộc chúng ta phải lo lắng khi nhìn về lớp kế cận.
35 tuổi vẫn được săn đón
Cú volley tuyệt đỉnh trong đêm hoa đăng ở Mỹ Đình năm 2018 không thể thay đổi một thực tế: Anh Đức đã qua thời kỳ đẹp nhất.
Đỉnh cao của Anh Đức đã nằm lại ở mùa giải 2017, năm anh giành Vua phá lưới nội với 17 bàn. Hai năm kế tiếp, dù vẫn là trụ cột tuyển Việt Nam, Anh Đức không còn giữ được sự ổn định tại Bình Dương. Hai mùa, 39 trận, 9 bàn, đó không còn là thống kê của một tiền đạo đẳng cấp.
HAGL hay các đội bóng đã theo đuổi Anh Đức chắc chắn hiểu điều đó. Họ hiểu rằng chiêu mộ Anh Đức không phải một lựa chọn lâu dài. Họ hiểu rằng Anh Đức không còn là một nguồn cung bàn thắng ổn định. Dù vậy, họ vẫn theo đuổi anh. Ngoài HAGL, Sài Gòn, Thanh Hóa, Hà Nội, Bình Định... là những đội đã có liên hệ với Anh Đức.
Chúng tôi muốn bổ sung một chân sút nội có đẳng cấp. Anh Đức được nhiều đội săn đón, nhưng khi nhận lời đề nghị của bầu Đức, cậu ấy đã chấp nhận.
Trưởng đoàn HAGL Nguyễn Tấn Anh
Một chân sút 35 tuổi, đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, đã ngồi ngoài nửa năm vẫn được săn đón nghĩa là Việt Nam đang quá thiếu tiền đạo giỏi.
Đó là thực trạng từng được HLV Park Hang-seo và Philippe Troussier nhắc tới không chỉ một lần. Đó cũng là lý do ông Park hết lần này tới lần khác phải gọi lại Anh Đức dù tiền đạo này từng nhiều lần chia tay đội tuyển.
Hơn 2 năm sau giải đấu ở Trung Quốc, ông Park vẫn sống bằng hơi thở của những chân sút thuộc “lứa Thường Châu”. Anh Đức là người duy nhất mang tới sự bổ sung tương xứng cho những tiền đạo ấy. Các lựa chọn thay thế từng được thử nghiệm như Hà Minh Tuấn hay Nguyễn Việt Phong đều không khiến ông thỏa mãn dù bản thân Minh Tuấn hay Việt Phong đều đã xấp xỉ 30.
Giống như HAGL vẫn phải nài kéo Anh Đức, ông Park cũng phải hài lòng với vài lựa chọn ít ỏi ấy.
Bởi ở V.League, đốt đuốc cũng khó tìm thấy thêm chân sút nội nào đủ tốt. Vài năm qua, danh sách nội binh ghi bàn vẫn quanh quẩn vài cái tên quen thuộc như Văn Quyết, Đức Chinh, Tiến Linh, Minh Vương... Phát hiện mới nhất mang tên Phan Văn Long thực ra đã 24 tuổi.
Phần lớn đội mạnh ở V.League đều có tiền đạo nội đẳng cấp làm chỗ dựa cho đàn em. Ảnh: Minh Chiến. |
Có tiền cũng không mua được tiền đạo nội giỏi
Với các CLB, tiền đạo nội đẳng cấp không chỉ mang tới một nguồn cung bàn thắng ổn định. Họ còn giúp ngoại binh được nghỉ ngơi, đa dạng hóa các phương án chiến thuật, mang tới nhiều sự biến ảo hơn cho đội hình.
Không ngạc nhiên khi những đội có tiền đạo nội đẳng cấp đều giàu tiềm lực, có lò đào tạo trẻ tốt và là ứng viên vô địch qua nhiều năm. CLB Hà Nội của Văn Quyết, Bình Dương của Tiến Linh (trước đó là Anh Đức) hay Đà Nẵng với Đức Chinh đều thuộc nhóm có “số má” ở V.League. Có “Tây” giỏi trên hàng công chỉ là điều kiện cần cho sự tồn tại của một CLB ở V.League. Muốn lên đỉnh cao, các đội bóng phải có tiền đạo nội chất lượng.
Có tiền đạo nội, họ mới không phụ thuộc vào ngoại binh. Có tiền đạo nội, họ mới có điều kiện xây dựng lối chơi riêng, tạo lập bản sắc. Lấy CLB Hà Nội hay HAGL làm ví dụ, hai đội bóng có phong cách rõ ràng nhất V.League đều sở hữu những Văn Quyết, Văn Toàn trên hàng công. “Tây” hay đến đâu, về Hà Nội hay HAGL đều phải thay đổi để thích nghi chứ hai đội bóng này không bao giờ thay đổi vì họ, điều mà nhiều CLB nhóm dưới vẫn phải làm.
Nguồn lực tiền đạo nội vừa quý, vừa hiếm nên các đội bóng giữ gìn rất cẩn thận.
Sau khi Đức Chinh chuyển từ Quảng Ninh về Đà Nẵng đầu mùa 2017, chưa có bất kỳ vụ mua bán trực tiếp nào dành cho những tiền đạo - tuyển thủ giữa các CLB V.League. Anh Đức chỉ gia nhập HAGL theo dạng tự do còn Công Phượng chơi cho TP.HCM dưới hình thức cho mượn.
Những tiền đạo nội đẳng cấp mới giúp đội bóng không phụ thuộc vào ngoại binh. Họ thậm chí có thể làm lu mờ những ông “Tây” trên hàng công. Ảnh: Minh Chiến. |
Thị trường chuyển nhượng không thiếu các tin đồn, Quang Hải, Hùng Dũng, Xuân Trường, Tuấn Anh... ngày nào cũng được đặt lên mặt báo nhưng chúng ta chưa bao giờ nghe được tin về Đức Chinh ở Đà Nẵng hay Tiến Linh ở Bình Dương. Công Phượng là tiền đạo duy nhất của tuyển Việt Nam đang thi đấu cho một CLB khác nhưng HAGL đã nhiều lần khẳng định, họ sẽ không bán anh cho TP.HCM.
Các đội bóng đều hiểu những chân sút như Công Phượng, Tiến Linh, Văn Quyết là món hàng bất khả xâm phạm, không phải cứ có tiền là mua được. Bình Dương chia tay Anh Đức để “dọn chỗ” cho Tiến Linh, Đà Nẵng vẫn giữ Đức Chinh dù anh là căn nguyên của hàng loạt rắc rối, HAGL có thể cho mượn chứ không bao giờ bán Công Phượng. Điểm chung của 3 cầu thủ này là họ đều được quy hoạch thành biểu tượng lâu dài ở đội bóng. Cứ nhìn những đổi thay mà một tiền đạo nội đẳng cấp có thể mang tới như Phan Văn Đức ở SLNA hay Công Phượng tại TP.HCM là hiểu tại sao các đội bóng không thể nhả người.
Bởi thế nên khi thị trường có một cái tên như Anh Đức, hàng loạt CLB lập tức lao vào.
Việc những “ông già” như Anh Đức vẫn có giá còn phản ánh một thực tế khác. Ấy là các lứa sau của bóng đá Việt Nam chưa mang tới sự bổ sung chất lượng. Thống kê cho thấy không có bất kỳ cầu thủ U22 nào đá chính trên hàng công của 14 CLB V.League mùa này. Nguyên nhân có thể đến từ cách dùng người của các HLV nhưng cũng có thể đến từ năng lực của lớp kế cận. Tiền đạo nào sẽ giúp ông Park bảo vệ ngai vàng SEA Games 2021 vì thế là câu hỏi rất khó trả lời.
Khi SEA Games tại Việt Nam đang cận kề, có thể đã quá muộn để tìm đáp án cho câu hỏi ấy.