Chiều tối 31/8, vài tiếng sau khi trả lời Zing.vn về nguồn gốc bức ảnh khó tin chụp cầu Cần Thơ, tác giả Dr.Akira Takaue đã xoá bức ảnh khỏi National Geographic lẫn trên trang Facebook cá nhân.
Bức ảnh chụp cầu Cần Thơ chìm trong làn mây mờ ảo của Dr.Akira Takaue, kiến trúc sư - nhiếp ảnh gia người Nhật Bản là đề tài gây bão mạng tại Việt Nam. Sau khi được trang National Geographic danh tiếng chọn là "bức ảnh của ngày", bức ảnh khó tin này lập tức nổi tiếng. Phần lớn những người trong giới bày tỏ sự nghi ngờ về độ chân thật của bức ảnh này.
Bức ảnh chụp cầu Cần Thơ của tác giả Nhật Bản. |
Trưa ngày 31/8, Tiến sĩ Akira Takaue, tác giả bức ảnh nói với Zing.vn rằng mình là kiến trúc sư cầu đường, có dịp làm việc ở Việt Nam và được phép leo lên gần nơi cao nhất của cầu Cần Thơ. Đây là lý do anh chụp được bức ảnh này. Bạn đọc có thể xem lại chi tiết cuộc nói chuyện giữa Tiến sĩ Akira Takaue với phóng viên Zing.vn tại đây.
Theo đó, tác giả người Nhật Bản cho biết đã gửi ảnh RAW (ảnh gốc kỹ thuật số, tương tự phim âm bản) cho trang NatGeo và rất vui vì đã vượt qua các khâu kiểm duyệt của trang này. Đồng thời khẳng định nó có ý nghĩa bởi phản ánh được thành quả lao động của ông trong những năm tháng gắn bó với dự án cầu Cần Thơ và hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt - Nhật.
Đến chiều cùng ngày, khi phóng viên đề nghị tiến sĩ Akira Takaue cho xem ảnh gốc dạng RAW để chứng minh thêm, nhiếp ảnh gia từng đạt nhiều giải thưởng này giữ im lặng.
Trong lúc này, nhiều người Việt đã vào trang ảnh của National Geographic để chất vấn tác giả. Nhiều người cho rằng họ sống nhiều năm ở Cần Thơ và chưa từng gặp cảnh này bao giờ. Số khác cho rằng nên giữ thái độ trung dung, không phán xét và chờ đợi tác giả phản hồi.
Sau đó, Tiến sĩ Akira Takaue đã xoá bài viết trên Facebook, có nội dung thông báo ảnh của mình đã được National Geographic lựa chọn. Đến 20 giờ ngày 31/8, ảnh đăng trên NatGeo đã bị xoá.
Nhiều người Việt vào trang NatGeo chất vấn tác giả về độ chân thật của bức ảnh cầu Cần Thơ. |
Nói với Zing.vn, anh Trần Tuấn Việt, nhiếp ảnh gia từng có nhiều ảnh được chọn trên National Geographic cho rằng có căn cứ để nghi ngờ tác giả Akira Takue, vì những gì Akira nói khác với quy định của NatGeo.
"Thường thì ảnh POD (photo of the day) ban biên tập NatGeo chọn ngẫu nhiên và không yêu cầu file RAW trước khi chọn POD. Họ cũng không liên lạc gì với tác giả được chọn. Khi chọn xong ảnh họ mới thông báo với tác giả bằng cách bình luận ở ảnh được chọn. Nên mình nghi ngờ tính trung thực của anh người Nhật kia khi bảo NatGeo có liên hệ yêu cầu file RAW. Chỉ khi Nat Geo mua ảnh đăng lên tạp chí của họ, họ mới yêu cầu file RAW", anh Việt chia sẻ.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng có thể bức ảnh được chụp vào thời điểm cầu Cần Thơ ngập trong sương mù năm 2014. Hiện tượng này cũng đã được phản ánh trên báo chí năm đó. Thời điểm bức ảnh được chụp được ghi trên NatGeo vào ngày 20/3/2014, còn thời điểm Cần Thơ bị phủ sương mù là ngày 8/2/2014.
Phóng viên đang liên lạc với biên tập viên trang National Geographic để xác minh bức ảnh gây tranh cãi này.
Tiến sĩ Akira Takaue là nhiếp ảnh gia không chuyên đạt nhiều giải thưởng về ảnh kiến trúc tại nhiều nước trên thế giới. Trong năm 2017, Akira giành ngôi á quân Moscow International Foto Award ở hạng mục kiến trúc cầu và Tokyo Skywalk ở nội dung phong cảnh thành phố.
Năm 2015, Akira cũng được vinh danh khi giành giải ba cuộc thi Fine Art Photography Awards với bức ảnh panorama chụp tại Australia.
Dr. Akira Takaue trả lời Zing.vn về bức ảnh cầu Cần Thơ:
Xin chào
Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm và đặt câu hỏi với tôi.
Công việc chính của tôi không chỉ là nhiếp ảnh gia mà còn là kiến trúc sư kết cấu cầu đường, thuộc Công ty Tư vấn Nhật Bản Chodai. Tôi đã có thời gian dài làm việc từ giai đoạn thiết kế, giai đoạn giám sát cầu Cần Thơ cho đến khi hoàn thành hệ thống SHMS (Structural Health Monitoring System, hệ thống giám sát cấu trúc) của cầu vào năm 2013.
Do đó , tôi có rất nhiều cơ hội để leo lên trụ cầu. Tôi đã chụp cảnh tuyệt vời này trong buổi kiểm tra hàng ngày của tôi trong giai đoạn giám sát thi công của SHMS, từ độ cao 120 m so với mặt cầu.
Tôi có thể hiểu việc một số người không tin rằng hình ảnh này là thật, vì bình thường mọi người không thể tự ý vào bên trong và trèo lên cao 120 m.
Dữ liệu thô (file RAW) của ảnh này đã được gửi tới National Geographic để trải qua các bước kiểm tra nghiêm ngặt xem nó đã qua chỉnh sửa hay chưa. Sau khi vượt qua tất cả quy trình xét duyệt này, tôi rất vui khi nó được giới thiệu là "bức ảnh của ngày" tại NatGeo.
Hình ảnh của tôi thường xuyên được NatGeo chọn là "bức ảnh của ngày" cũng như xuất hiện trên National Geographic Contest.
Tuy nhiên, riêng với bức ảnh cầu Cần Thơ, tôi thực sự vui vì thành quả của những trải nghiệm, khổ cực với khách hàng, nhà thầu, đồng nghiệp, chuyên gia tư vấn, nhóm kỹ sư của tôi và những bạn bè người Việt Nam của tôi... đã được giới thiệu với thế giới thông qua NatGeo.
"Ai đó nói bức ảnh này không thật" không phải là vấn đề lớn bởi kết quả tốt đẹp của tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam, gói gọn vào việc hoàn thành cầu Cần Thơ, đã được giới thiệu trên thế giới thông qua NatGeo.
Cảm ơn chân thành
Akira