Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm 4/10 cáo buộc tình báo quân đội Nga đang thực hiện một chiến dịch tấn công mạng "liều lĩnh, không phân biệt" nhằm vào các tổ chức chính trị, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và thể thao trên toàn thế giới, theo AFP.
Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia Anh (NCSC) xác định các điệp viên từ cơ quan tình báo GRU thuộc quân đội Nga đứng sau nhiều vụ tấn công mạng nghiêm trọng, theo Bộ Ngoại giao Anh.
Nhiều vụ trước đó được cho là có liên quan đến Moscow, bao gồm vụ tống tiền "BadRabbit" nhằm vào một sân bay quốc tế của Ukraine và các đơn vị truyền thông Nga năm 2017, cũng như âm mưu tấn công Cơ quan Chống Doping Thế giới tại Thụy Sĩ cùng năm.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt phát biểu tại đại hội thường niên của đảng Bảo thủ Anh hôm 30/9. Ảnh: Getty. |
"Kiểu hành vi này cho thấy họ muốn hành động mà không đếm xỉa gì đến luật quốc tế hay các thông lệ lâu đời, và làm vậy với cảm giác không phải chịu trừng phạt, không để lại hậu quả", ông Hunt nói trong một thông cáo.
"Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Cùng với các đồng minh, chúng tôi sẽ vạch trần và phản pháo các âm mưu phá hoại sự ổn định quốc tế của GRU".
NCSC "vô cùng tự tin" rằng GRU "gần như chắc chắn" đứng sau các vụ tấn công trong năm 2017, cũng như các vụ khác bao gồm vụ tấn công hệ thống mạng của đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ.
Bộ Ngoại giao Anh cho rằng chiến dịch tấn công mạng của Nga "vi phạm luật pháp quốc tế" khiến các nền kinh tế quốc gia thiệt hại hàng triệu USD. Đây là lần đầu tiên Anh trực tiếp cáo buộc GRU vì những hành vi mang tính thù địch trên mạng. Phía Nga chưa lên tiếng về cáo buộc này của phía Anh.
Hồi tháng 4, chính phủ Anh và Mỹ từng cáo buộc Nga tấn công tường lửa và hệ thống máy tính tại nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Chính quyền Mỹ cũng cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Tuy nhiên, Tổng thống Putin tuyên bố: “Chính phủ Nga chưa từng can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, chứ đừng nói đến bầu cử”.
Quan hệ Anh - Nga đang trong thời điểm căng thẳng khi Anh cáo buộc chính phủ Nga đứng sau vụ đầu độc cha con điệp viên Skripal. Dựa trên cáo buộc này, gần 30 quốc gia đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga.
Nga nhiều lần phản bác cáo buộc của Anh và Phương Tây về sự liên quan của Moscow trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal. Sau khi hơn 150 nhân viên ngoại giao Nga bị trục xuất, Moscow đáp trả bằng cách trục xuất hơn 150 nhân viên ngoại giao phương Tây đang làm việc tại Nga.