Nhằm tìm hướng giải quyết cho tình hình Covid-19 tại Myanmar, Anh hôm 29/7 đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước diễn biến dịch bệnh "rất nghiêm trọng" tại quốc gia Đông Nam Á, theo AFP.
Anh thúc giục cơ quan của Liên Hợp Quốc đảm bảo thực thi nghị quyết 2565, yêu cầu ngừng bắn tại các khu vực xung đột của Myanamar, để có thể cung cấp vaccine Covid-19 một cách an toàn.
"Chúng tôi phải xem xét làm thế nào để thực hiện điều đó", Đại sứ Barbara Woodward, đại diện thường trực của Anh tại Liên Hợp Quốc, cho biết.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến "rất nghiêm trọng" tại Myanmar. Ảnh: AFP. |
Từ sau cuộc chính biến hồi tháng 2, Myanmar đã gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định tình hình, nhất là đối phó với sự gia tăng của dịch bệnh Covid-19 do thiếu hụt trang bị và nhân viên y tế.
Theo Liên Hợp Quốc, chỉ có 40% các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Myanmar vẫn có thể hoạt động. Tổ chức này cho biết có khoảng 260 vụ tấn công nhằm vào các nhân viên và cơ sở y tế, 67 người đã bị bắt giữ.
Chính quyền quân sự Myanmar đang kêu gọi sự giúp đỡ từ ASEAN và "các quốc gia thân thiện" để đối phó với đại dịch Covid-19, truyền thông nhà nước cho biết hôm 28/7.
Cùng ngày, Myanmar ghi nhận chưa đến 5.000 trường hợp dương tính mới, trong khi các chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể lớn hơn nhiều. Hồi đầu tháng 5, quốc gia Đông Nam Á này chỉ có khoảng 50 ca/ngày.
Đến nay, khoảng 1,75 triệu người Myanmar đã được tiêm một mũi vaccine. Tỷ lệ này chiếm khoảng 3,4% dân số, theo Our World in Data.
Hồi tuần trước, nhà chức trách cho biết đã nhận một lô vaccine Sinopharm do Trung Quốc tặng, để ưu tiên tiêm cho những người sống dọc biên giới hai nước. Trung Quốc cũng đã cung cấp hơn 10.000 liều vaccine cho nhóm vũ trang hoạt động ở khu vực này.
Đầu tháng 7, Myanmar cho biết đã đặt mua 4 triệu liều vaccine từ Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ tài trợ thêm 2 triệu liệu nữa.
Ngoài ra, lô vaccine 1,5 triệu liều từ Ấn Độ cũng đã đến Myanmar hồi đầu năm.