Giấy phép xuất khẩu cá nhân mở (OIEL) đã được bí mật cấp cho một công ty giấu tên vào tháng 4. Động thái này diễn ra chỉ 2 tháng sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Anh Theresa May, theo Bộ Thương mại Quốc tế Anh.
Không giống các thỏa thuận trước liên quan đến bán thiết bị quân sự của Anh cho Trung Quốc thường bị giới hạn về số lượng và giá trị, thỏa thuận lần này cho phép bán “không giới hạn”, gồm thiết bị, linh kiện, phần mềm và công nghệ radar quân sự cho Bắc Kinh.
Theo tiết lộ của quan chức trong Bộ Thương mại Anh, thỏa thuận mới cho phép bán radar tìm kiếm mục tiêu, điều khiển hỏa lực và các hệ thống gây nhiễu dùng cho máy bay, trực thăng và máy bay không người lái.
“Đó là giấy phép lớn và có thể nói rằng bên sử dụng cuối cùng sẽ là không quân Trung Quốc”, Andrew Smith, phát ngôn viên chiến dịch chống buôn bán vũ khí có trụ sở tại London nói với SCMP.
Một hệ thống radar cảnh báo sớm do Anh sản xuất. Anh là quốc gia đầu tiên chế tạo thành công radar quân sự trong Thế chiến II. Ảnh: BAE Systems. |
Giấy phép OIEL thường có thời hạn từ 5-10 năm. Chi tiết của thỏa thuận không được tiết lộ, vì vậy giá trị của nó có thể rất lớn, ông Smith cho biết thêm. Bộ Thương mại Anh từ chối bình luận về thỏa thuận.
Anh là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng thỏa thuận mới cho thấy London đang muốn bắt tay với Bắc Kinh, dù căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng. Li Bin, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết nước Anh đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh nhiều tập đoàn, công ty lớn muốn rời khỏi Anh vì Brexit, Trung Quốc năm ngoái đã tăng đầu tư trực tiếp vào London hơn 20 tỷ USD. “Trong tình huống này, Anh có vẻ muốn làm ăn nhiều hơn với Trung Quốc”, ông Li nói. Vị chuyên gia cho biết thêm Washington có thể không hài lòng với việc bán radar cho Bắc Kinh nhưng rất khó để ngăn chặn.
Một hệ thống radar chuyên phát hiện mục tiêu tàng hình do Trung Quốc chế tạo. Ảnh: China Military Review. |
Giấy phép bán radar cho Trung Quốc không phải là kết nối duy nhất mà London có với Bắc Kinh trên các hệ thống radar. Tháng trước, giáo sư Hugh Griffiths, một trong những nhà khoa học radar hàng đầu của Anh, Chủ tịch Ủy ban chuyên gia khoa học quân sự tại Bộ Quốc phòng Anh, đã được chính phủ Trung Quốc cấp bằng khen về những đóng góp của ông cho sự phát triển công nghệ radar Trung Quốc.
Giáo sư Hugh Griffiths, là người du lịch đến Trung Quốc một cách thường xuyên vào những năm 1980, từ chối bình luận về giải thưởng mà ông nhận được từ chính phủ Trung Quốc.
Cao Yunhe, nhà khoa học radar quân sự tại Đại học Xidian ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, cho biết giấy phép là tin tốt cho sức mạnh quân sự và nghiên cứu radar của Trung Quốc. Tuy vậy, vị chuyên gia này cho rằng những hệ thống được phép xuất khẩu không phải là loại hiện đại nhất. “Sẽ luôn có hạn chế, nếu không phải số lượng thì chất lượng”, ông Cao nói.
Ngoài ra, một số chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định hợp tác giữa chuyên gia radar Trung Quốc và Anh sẽ không quá sâu. Anh chia sẻ rất nhiều thông tin tình báo với Mỹ, vì vậy Bắc Kinh chắc chắn sẽ giới hạn sự tham gia của các chuyên gia London vào chương trình radar của họ.