Theo Daily Mail, tàu tuần tra Rio Cedena của Tây Ban Nha hai lần tiếp cận tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa USS Florida của Hải quân Mỹ khi nó tiến vào cảng Gibraltar trong trạng thái nổi, buộc Hải quân Anh phải bắn pháo sáng cảnh cáo. Sự việc xảy ra hồi trung tuần tháng 4 nhưng không được công bố.
Tàu ngầm hạt nhân USS Florida của Hải quân Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons |
The Sun cho biết sự việc gây phẫn nộ trong giới quan chức cấp cao ở Gibraltar. “Đây không chỉ là trò chơi nguy hiểm của Tây Ban Nha mà còn là cách hành xử không phù hợp của một nước NATO với hải quân Mỹ”, quan chức cấp cao Gibraltar nhận định.
Hải quân Hoàng gia Anh đã xác nhận vụ việc nhưng người phát ngôn Bộ Quốc phòng cho biết họ không bình luận về các hoạt động của tàu ngầm hay các biện pháp bảo vệ. Người phát ngôn Văn phòng Thống đốc Gibraltar cũng đã xác nhận vụ việc. Đây không phải sự cố đầu tiên.
Trong tháng 8/2015, chính quyền Gibraltar cho biết họ “ngạc nhiên và thảng thốt” khi phát hiện cảnh sát Tây Ban Nha sử dụng thuyền và trực thăng để tiến hành các cuộc xâm nhập vào vùng biển của Anh.
Bản đồ khu vực
Gibraltar. Ảnh: Daily Mail |
Tranh chấp chủ quyền xung quanh Gibraltar là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước châu Âu căng thẳng. Anh quản lý Gibraltar sau Hiệp ước Utrecht năm 1713 nhưng Tây Ban Nha khẳng định họ sẽ không từ bỏ chủ quyền với khu vực này. Tuy nhiên, trong hai cuộc trưng cầu dân ý năm 1967 và 2002, người dân Gibraltar không muốn trở thành một phần của Tây Ban Nha dù nằm sát quốc gia này.
Gibraltar nằm ở cuối bán đảo Iberia, phía tây nam của Tây Ban Nha, với diện tích 6,8 km2. Trong lịch sử, Gibraltar đã chứng tỏ vai trò quan trọng với Hải quân Anh. Hiện nay, nền kinh tế của nó dựa chủ yếu vào du lịch, dịch vụ tài chính và vận tải đường biển. Theo hiến pháp năm 2006, Gibraltar có quyền tự quản dù quốc phòng, đối ngoại là trách nhiệm của chính phủ Anh.