Phó đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley cho rằng quan hệ Việt - Anh đang trong một giai đoạn rất tốt đẹp, nhưng “chúng ta đang sống trong một thời đại mà thế giới trở nên khó đoán định hơn. Chúng ta cần đối thoại để hiểu rõ hơn”.
Ông nhận định hai nước có nhiều điểm chung, có mối quan hệ chặt chẽ về thương mại, mở cửa nền kinh tế,... nhưng cũng có nhiều khác biệt để bổ sung cho nhau. Hai nước cũng đã đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng, ông Winsley nói trong hội thảo về quan hệ song phương vào tháng 3.
Trong khi đó, theo ông Phan Anh Sơn, Phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), một trong những minh chứng cho điều này là việc triển khai có hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), quan hệ kinh tế song phương tiến triển ngày càng mạnh mẽ, hợp tác giáo dục, hợp tác chống biến đổi khí hậu,...
Bên cạnh những cơ hội về kinh tế, thương mại và giáo dục, các chuyên gia và quan chức tham dự hội thảo cũng đánh giá cao quá trình hợp tác về phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và năng lượng sạch giữa 2 quốc gia.
Thương mại phát triển mạnh
Phó giáo sư Hà Văn Hội - Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế của Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết việc ký kết và thực thi UKVFTA đã mang đến cơ hội mới cho quan hệ thương mại Việt - Anh, đặc biệt là mở ra một trang mới trong hoạt động xuất khẩu giữa 2 nước.
Theo đó, tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Vương quốc Anh và Việt Nam tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 5,9 tỷ bảng (7,2 tỷ USD), tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Không chỉ thúc đẩy xuất nhập khẩu, việc ký kết UKVFTA cũng giúp các công ty Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Anh và được các doanh nghiệp sở tại săn đón.
Về lĩnh vực giáo dục, Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam với 74 chương trình giáo dục xuyên quốc gia của 23 trường đại học tại Anh.
Nói về quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu, Phó đại sứ Winsley cho biết các cam kết mà chính phủ Việt Nam đã đưa ra tại hội nghị COP26, bao gồm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã khiến Anh ngạc nhiên, nhưng khẳng định đây là một động thái rất tích cực.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn. Ảnh: Đại sứ quán Anh. |
Việt Nam và Anh cũng tham gia thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng. Qua đây, Anh và cộng đồng quốc tế sẽ cùng hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, với những khoản đầu tư lớn trong những năm tới, ông chia sẻ.
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh, với điều kiện là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng sạch, Anh có thể giúp đỡ Việt Nam về kỹ thuật và đào tạo để chuyển dịch dần nguồn nhân lực sẵn có trong các ngành năng lượng sạch như điện gió.
Trả lời Zing về những thách thức trong việc phát triển ngành năng lượng sạch tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết thách thức đầu tiên chính là thiếu đội ngũ nhân lực kỹ thuật. Bên cạnh đó, thách thức thứ hai liên quan đến việc tìm được nguồn đầu tư cần thiết cho những dự án năng lượng tái tạo.
Liên quan đến trao đổi thương mại Việt - Anh, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Âu - Mỹ, Bộ Công thương, cho biết Anh đã kết thúc phiên đàm phán song phương với Việt Nam về việc gia nhập CPTPP. Chính vì vậy thương mại Việt Anh có khả năng sắp có cơ chế mới bên cạnh UKVFTA.
“Tôi tin rằng việc Anh sẽ sớm gia nhập CPTPP là cơ hội để hai nước thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời đề cao các quy tắc thương mại mà chúng ta sẽ vận hành để cố gắng dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và làm gương cho các nước khác trên thế giới về kết nối thương mại”, ông Bland cho biết.
Những vấn đề cần cải thiện
Ông Linh nhận định triển vọng từ các hiệp định thương mại tự do là rất lớn, “nhưng có tận dụng được hay không thì là chuyện khác”.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội, lợi thế đi trước đối với những đối thủ cạnh tranh khác để xuất khẩu sang thị trường Anh. Tuy nhiên, lợi thế này không kéo dài mãi, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng hành động, ông Linh nói.
Ngoài ra, dù quan hệ hai bên đang phát triển rất tốt đẹp, Đại sứ Bùi Thế Giang, nguyên Phó trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho biết vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy mối quan hệ Việt Anh phát triển hơn nữa.
Ông viện dẫn thông tin cho thấy giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chiếm chưa tới 1% nhu cầu nhập khẩu, cũng như việc Anh là nhà đầu tư lớn thứ 16 vào Việt Nam,...
Phó đại sứ Anh tại Việt Nam Marcus Winsley phát biểu tại hội thảo ngày 21/3. Ảnh: Đại sứ quán Anh. |
Bên cạnh đó, mặc dù hợp tác giáo dục giữa hai nước đã phát triển mạnh, ông Giang chỉ ra nhu cầu tiếp cận hệ thống giáo dục Anh và nhu cầu học tiếng Anh của cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân rất lớn, trong khi số lượng học bổng của Anh cấp cho Việt Nam lại rất thấp.
“Hơn 95% du học sinh Việt Nam tại Anh đều tự túc tài chính”, ông cho biết. Ông đồng thời mong rằng sẽ có thêm nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian tới.
Bất chấp những thách thức có thể phải đối mặt trong tương lai, các khách mời tại hội thảo đều bày tỏ niềm tin rằng quan hệ giữa 2 nước sẽ tiếp tục tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp trong những năm tới.
“Xin cảm ơn vì 50 năm vừa qua, tôi chắc rằng 50 năm tới sẽ còn thành công hơn”, Phó đại sứ Winsley kết luận.
Những cuốn sách giúp hiểu về kinh tế quốc tế
Hiểu về kinh tế thế giới là điều rất quan trọng trong thời kỳ hội nhập nhằm nắm bắt cơ hội và tận dụng hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục Thế giới xin giới thiệu đến độc giả những cuốn sách viết về kinh tế quốc tế, mang lại cho người đọc cái nhìn trực quan và đa chiều khi nhắc đến lĩnh vực thú vị này.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.