Nhân vật
Sáng 4/2, cựu VĐV Huỳnh Thị Thu Hồng qua đời khi mới 35 tuổi. Chưa đầy 10 ngày sau khi phát hiện bị bệnh, cựu vô địch thế giới pencak silat hạng 55 kg nữ đã không còn, để lại sự nghiệp huấn luyện còn dang dở và hai đứa con thơ.
Cô học trò ngoan hiền
Gắn bó với Thu Hồng từ những ngày đầu ở đội tuyển silat Việt Nam, HLV Nguyễn Văn Hùng nhớ rất rõ về cô học trò cũ. Đó cũng là quãng thời gian ông mới chuyển lên làm HLV ở đội tuyển.
"Năm 2003, tôi chuyển từ VĐV lên làm công tác huấn luyện. Cũng khoảng thời gian đó, Thu Hồng được nhắm đến là VĐV thay thế đàn chị Trịnh Thị Mùi, một trong những tượng đài của làng silat Việt Nam", ông Hùng nói với Zing.
Thu Hồng được coi là tượng đài của silat Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Ảnh: FBNV. |
"Tôi biết, Hồng chịu nhiều áp lực khi gánh trên vai trọng trách nặng nề. Đó cũng là điều bình thường của mỗi VĐV. Được kỳ vọng thay thế một huyền thoại, làm sao không gặp áp lực cho được. Nhưng rồi, Hồng đã làm rất tốt việc phải làm và mọi khó khăn dần qua đi", ông Hùng tiếp tục.
Sinh năm 1986 tại An Giang, Thu Hồng sớm đam mê võ thuật và bén duyên với silat. 17 tuổi, cô gái ở vùng sông nước Cửu Long này đã được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Chỉ một năm sau, tài năng của nữ VĐV này giúp silat Việt Nam rạng danh trên đấu trường quốc tế với tấm HCV giải thế giới 2004.
Ông Hùng là người trực tiếp huấn luyện và dẫn dắt cô học trò, rất tự hào về Thu Hồng. "Với tôi, Hồng là VĐV tài năng. Thể hình không cao to, nhưng Hồng có lực ra đòn rất mạnh. Em ấy có những miếng đánh 'tủ', khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải e dè, đặc biệt ở cách ra đòn tay và quật ngã đối phương".
Bởi vậy, ở giai đoạn từ 2004 đến 2010, Thu Hồng là độc cô cầu bại ở làng silat Việt Nam. Trên đấu trường quốc tế cô cũng gần như không có đối thủ ở hạng cân 55 kg. HLV Văn Hùng tiết lộ, sau này cô còn chuyển lên thi đấu ở hạng cân cao hơn là 60 kg nữ.
Thời điểm Thu Hồng lên tập trung đội tuyển quốc gia, HLV Nguyễn Xuân Hải đang là HLV phó. Vị này nhớ lại: "Thời gian đã quá lâu nên tôi không thể nhớ chi tiết. Nhưng, nhắc đến Thu Hồng, tôi vẫn nhớ rõ rằng đó là cô bé đầy tiềm năng, nghị lực".
"Một cô gái trẻ tuổi, từ vùng quê xa xôi lên tập trung. Có thể nói là rất 'quê mùa', nhưng Hồng vẫn rất bản lĩnh. Cô bé ấy vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trở thành trụ cột đội tuyển pencak silat Việt Nam".
Trong sự nghiệp thi đấu, Hồng giành 8 HCV các giải quốc tế, 6 HCV quốc gia và nhiều huy chương khác. Đặc biệt trong số đó là cú hat-trich hồi 2009 khi cô giành 3 HCV tại Đại hội Võ thuật châu Á ở Thái Lan, Đại hội Thể thao châu Á trong nhà tại Việt Nam và SEA Games 25 ở Lào.
Nói về thông tin buồn của Thu Hồng, HLV Văn Hùng không giấu được sự xúc động. "Chúng tôi mới biết tin gần đây thôi. Mọi người trong giới còn kêu gọi nhau ủng hộ, giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn. Vậy mà..."
"Anh chị em bàng hoàng lắm. Bản thân tôi cũng không thể tin được. Chỉ hơn 10 ngày trước không ai nghĩ tới kết quả bi thảm như vậy. Tôi không biết phải nói gì lúc này. Giữa tình hình dịch bệnh, tôi muốn đến nhìn mặt học trò cũ lần cuối cũng khó".
Người đàn chị mẫu mực
Trước khi phát hiện căn bệnh quái ác, Thu Hồng được "cơ cấu" và đưa đi học lớp HLV pencak silat. Cô cũng được ngành thể thao tỉnh An Giang đưa vào diện quy hoạch và trở thành HLV trưởng bộ môn pencak silat tỉnh này. Dù chuyển sang huấn luyện chưa lâu, Thu Hồng vẫn có những dấu ấn đặc biệt.
Võ sĩ Nguyễn Thị Cẩm Nhi, người từng giành HCV giải Vô địch pencak silat Châu Á năm 2019 hạng cân 60 kg nữ, là người đồng đội và sau này trở thành học trò của Thu Hồng có những kỷ niệm đặc biệt với người đàn chị. Ngày 5/2, cô cùng đồng đội có mặt tại nhà riêng của Thu Hồng từ sớm, cùng gia đình đàn chị lo lắng, chuẩn bị hậu sự.
Thu Hồng là người đàn chị đồng hành trong suốt giai đoạn bắt đầu tập luyện và trưởng thành của Cẩm Nhi. Ảnh: FBNV. |
Ấn tượng mạnh nhất của Cẩm Nhi với Thu Hồng là thời điểm võ sĩ sinh năm 1997 mới lên tập cùng đội. Ngày đầu tiếp xúc, Cẩm Nhi vừa bỡ ngỡ và đầy bất ngờ trước sự đối đáp đầy chân tình của đàn chị.
"Tôi bắt đầu chuyển sang tập pencak silat năm 2008, đó là thời điểm chị Hồng đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp. Gặp chị ấy, tôi như được gặp thần tượng của mình vậy. Chị cũng là nguồn động lực để tôi phấn đấu có được thành quả như bây giờ", nữ võ sĩ sinh năm 1997 chia sẻ.
"Dù đang ở đỉnh cao hay sau này không còn thi đấu nữa, chị Hồng vẫn luôn là người hiền hòa, dễ tiếp xúc. Ngay ở thời điểm tôi là những đứa nhỏ, còn chị ấy đã vô địch thế giới, chúng tôi cũng không có khoảng cách gì".
Theo lời kể của Cẩm Nhi với Zing, cô được chỉ bảo rất nhiều về chuyên môn, từ những buổi tập ở đội silat tỉnh An Giang đến cả những chuyến đi thi đấu. "Tôi tập môn khác trước khi chuyển sang silat, nên kỹ thuật và luật thi đấu phải làm quen lại từ đầu. Tôi may mắn vì chị Hồng và nhiều anh chị khác chỉ bảo tận tình".
"Bên ngoài sân đấu, chị ấy là người vui vẻ, không phải tuýp người ít nói hay kiêu ngạo. Mọi VĐV trẻ đều được chị Hồng an ủi, động viên và chia sẻ kinh nghiệm tập luyện, thi đấu giành kết quả tốt hơn. Tính cách vui tươi của chị ấy nhiều khi khiến đội bớt căng thẳng, nhiều tiếng cười hơn".
Thu Hồng (áo vàng) trên cương vị huấn luyện viên silat tỉnh An Giang. Ảnh: FBNV. |
Có thời điểm, Thu Hồng từ bỏ nội dung 55 kg sở trưởng để đôn lên chơi ở hạng cân 60 kg nữ. Đây cũng là nội dung Cẩm Nhi gặt hái nhiều thành công. Cô nhớ lại: "Hai chị em cùng được tập luyện một hạng cân là vinh dự của tôi. Nói thực lòng, tôi không lại với chị ấy, bị đánh nhiều lắm. Nhưng như vậy thì thi đấu mới thắng người ta được. Hai chị em cùng dìu nhau phát triển hơn là điều tôi rất hạnh phúc".
Một ấn tượng đặc biệt nữa với nữ VĐV vô địch châu Á là thời điểm Thu Hồng trở lại thi đấu sau khi mang thai đứa con đầu lòng. Dù tạm gác lại việc tập luyện một thời gian dài cùng sức khỏe giảm sút do việc chăm sóc con nhỏ, nhưng Thu Hồng vẫn giữ được phong độ đỉnh cao.
"Sau này, khi làm HLV rồi, chị vẫn sống rất thoải mái, hiểu tâm lý của học trò vì dù sao chị Hồng cũng đi lên từ VĐV. Đó là cuộc sống đời thường, còn khi tập luyện, HLV nào cũng khắt khe để học trò phát triển hơn. Tôi tôn trọng và biết hơn chị vì những điều đó".
Thu Hồng được coi là một trong những tượng đài của làng silat Việt Nam. 15 năm thi đấu chuyên nghiệp, võ sĩ người An Giang giành 8 HCV các giải quốc tế, 6 HCV quốc gia và nhiều huy chương khác, trước khi chuyển sang công tác huấn luyện vào năm 2016. Sáng 4/2, cô qua đời vì căn bệnh ung thư cổ tử cung.