Ngày 24/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh An Giang có báo cáo tổng hợp sau 3 tuần chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động karaoke di động.
Phó giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang Trương Bá Trạng cho biết cơ quan chức năng địa phương đã mời 639 cơ sở kinh doanh đến phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và chủ trương tạm dừng karaoke di động của UBND tỉnh. Đa số các cơ sở dịch vụ kinh doanh karaoke di động đã tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh quy định.
Trong 3 tuần qua, các tổ công tác liên quan đã tổ chức 273 cuộc kiểm tra, nhắc nhở 25 trường hợp vi phạm; cảnh cáo, buộc dừng hoạt động 6 trường hợp, tạm giữ 7 loa karaoke di động. Theo thống kê, chưa có trường hợp nào vi phạm đến mức phải phạt tiền.
Quá trình kiểm tra, xử lý phát sinh một số vướng mắc như cơ quan chức năng địa phương chưa phân biệt rõ đối tượng hoạt động dịch vụ karaoke di động và đối tượng dùng âm thanh để phục vụ sinh hoạt ca hát của người dân. Ngoài ra, cơ quan quản lý văn hóa không có điều kiện đo độ ồn để xử lý các trường hợp tự trang bị âm thanh, ca hát phục vụ sinh hoạt vui chơi, giải trí trong các đám tiệc.
“Cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về xử lý các hộ tổ chức đám cưới có loa di động kết nối với điện thoại, trang bị máy đo tiếng ồn và hướng dẫn quy trình xử lý vi phạm”, Sở VH-TT&DL An Giang đề xuất.
Ba tuần trước, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo cơ quan chức năng của các huyện, thị xã và TP Long Xuyên ra văn bản cấm karaoke lưu động.
Theo ông Bình, karaoke là dịch vụ kinh doanh có điều kiện, phải được lắp đặt trong phòng để không gây tiếng ồn. Ngoài việc gây tiếng ồn, karaoke lưu động có thể là nguồn lây truyền dịch bệnh do giọt bắn dính vào micro.