Ngày 19/1, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch nêu, An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Với dân số đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, đặc biệt là kinh tế biên mậu; là cửa ngõ kết nối, giao thương hàng hóa với Campuchia và các nước tiểu vùng sông MeKong.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung (trái) trao quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch đến năm 2030, toàn tỉnh An Giang có 27 đô thị, gồm 1 đô thị loại 1; 1 đô thị loại 2; 2 đô thị loại 3; 12 đô thị loại 4 và 11 đô thị loại 5. Trong đó, thị xã Tân Châu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh An Giang đặt ra 3 nhóm mục tiêu về kinh tế; xã hội và môi trường với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng/năm; kinh tế số đạt trên 20% GRDP.
Tỉnh An Giang sẽ tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang); phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, tỉnh sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội, cùng hợp tác phát triển.
Tỉnh ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn như: phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; phát triển đô thị, nhà ở thương mai; kết cấu hạ tầng giao thông; thương mại – dịch vụ logistics - du lịch; nông nghiệp công nghệ cao.
Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch đến cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nhằm tạo thống nhất về nhận thức, hành động và hiệu quả trong thực hiện quy hoạch.
Trên cơ sở nội dung quy hoạch, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện.