Covid-19 để lại ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của chúng ta, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Nhiều dấu hiệu như thiếu tập trung, lú lẫn, suy nghĩ mờ mịt, mệt mỏi có thể cảnh báo tình trạng sương mù não hậu Covid-19 ở người bệnh. Tất cả triệu chứng này có thể ảnh hưởng hoạt động và cuộc sống hàng ngày, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.
Theo India Times, nếu sau khi khỏi Covid-19, bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào như trên, đây là thời điểm bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống của mình.
Thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể giúp tái tạo nhanh chóng các tế bào não, đặc biệt là những thực phẩm giàu axit béo Omega-3. Hạt lanh, hạt chia, cá, quả óc chó, đậu phụ, động vật có vỏ, dầu hạt cải, đậu xanh, mầm cải brussel và quả bơ là một số nguồn axit béo Omega-3 tuyệt vời.
Ngoài ra, thực phẩm giàu axit alpha-lipoic, L-carnitine và creatine cũng có thể có lợi để cải thiện sức khỏe não bộ. Những chất dinh dưỡng này có thể được tìm thấy trong thịt gia cầm, trứng, quả hạch, đậu, hạt và rau bina.
Tình trạng sương mù não có thể khiến người bệnh thiếu tập trung, suy nghĩ mờ mịt, lú lẫn. Ảnh: Indiatimes. |
Theo Today, vitamin C và axit folic được phát hiện là có hiệu quả cao đối với những người mắc hội chứng mệt mỏi mạn tính. Vì vậy, bệnh nhân mắc chứng sương mù não nên bổ sung 2 dưỡng chất này vào chế độ ăn uống hậu Covid-19. Trong khi vitamin C có nhiều ở trái cây họ cam quýt, kiwi và ớt chuông đỏ, axit folate được tìm thấy trong các loại rau lá xanh đậm như rau bina, rau xà lách và cải xoăn.
Ngoài ra, SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào não cũng có thể làm gia tăng lượng đường trong tế bào thần kinh. Điều đó xảy ra vì ty thể của tế bào thần kinh nhanh chóng thay đổi hình dạng và cấu trúc, dẫn đến những thay đổi sâu sắc về tổng thể.
Cuối cùng, nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II, căn bệnh được báo cáo ở nhiều người sau khi khỏi Covid-19. Để tránh điều này, người bệnh được khuyến nghị nên giảm tiêu thụ đường và tinh bột.