Ăn gì để không hại?
“Một câu hỏi lớn không lời đáp” hiện nay lại thuộc về một vấn đề nhỏ bé, tầm thường, đó là: ăn gì để không hại?
Báo chí phải mở những trang mục “vệ sinh an toàn thực phẩm”, những con số thống kê, những tỷ lệ phần trăm thực phẩm nhiễm độc hay những vụ chế biến thực phẩm bẩn bị phanh phui là những chỉ số đáng buồn minh hoạ thêm cho sự xuống cấp về đạo đức, lương tri của xã hội…
Có những vụ vượt ngoài sức tưởng tượng của người tiêu thụ, như vụ chế biến, “mông má” lại bún thiu bằng hoá chất gây chấn động. Hàng loạt những vụ nhập lậu thịt hay lòng gia súc, gia cầm thối rữa, loại “thực phẩm” chỉ dành cho quạ diều, lại để chế biến xúc xích, gây kinh hoàng.
Điều đáng suy gẫm trong những vụ việc u ám kể trên là vì sao một bộ phận những người lao động lương thiện ngày nào giờ lại bất đắc dĩ tiếp tay cho những kẻ bất lương, hám lợi? Có thể thấy một điều rằng, thời nay ngay cả những người lao động chân chất như những người đã kể, dù có ý thức hay không, giờ cũng dùng cái mà giới ngoại giao hay kinh doanh gọi là “tiêu chuẩn kép”.
“Một câu hỏi lớn không lời đáp” hiện nay lại thuộc về một vấn đề khá nhỏ bé, tầm thường, đó là: ăn gì để không hại? |
Hiện nay, có biết bao nhiêu người nông dân có một đám ruộng, đám rau, miếng vườn, đàn gia cầm hay ao nuôi thuỷ sản riêng để dùng cho gia đình, khác với những sản phẩm chăm sóc đại trà mà họ sẽ bán ra thị trường đã bị phun thuốc và tiêm thuốc kích thích cho trái lớn, rau to để kiếm thêm lợi nhuận.
Thế nhưng cái “tiêu chuẩn kép” nào cũng có nguy cơ bị phá sản, vì những người sản xuất đó không thể sống một đời “tự sản tự tiêu” hoàn toàn. Rốt cuộc họ cũng phải sử dụng những sản phẩm độc hại của những người có cùng cách nghĩ “kép” như họ.
Sự mất mát của xã hội trong những vụ sản xuất thực thẩm bất an không chỉ đơn thuần dừng lại ở các mối nguy về sức khoẻ. Có thể thấy được điều này qua những cuộc kiểm tra, thanh tra, những quy định pháp lý mới xuất hiện ngày càng nhặt hơn đối với chuyện an toàn thực phẩm. Những sự việc này trước đây chỉ dành cho những luật định, những “toà án” của lương tri, đạo đức, tình cảm mà thôi, nhưng giờ cứ dần dần phải đi vào những quy định lý trí lạnh lùng của luật pháp.
Thế nên, mọi người hẳn buộc lòng phải tin rằng mình phải còn tiếp tục sống trong một thời đoạn u ám về lương thực, mà ngay cả miếng ăn thức uống cũng chứa đầy tai hoạ…
Theo Sài Gòn tiếp thị