South China Morning Post ngày 1/8 dẫn thống kê của Bộ Môi trường Ấn Độ cho thấy trung bình 1 người chết/ngày vì hổ và voi tấn công ở đất nước Nam Á này. Nguyên nhân là con người đang can thiệp vào môi trường sống của chúng.
Về phía con người, trong cuộc chiến giữa thú với người này, mỗi ngày họ đang giết một con báo. Trong vài thập niên qua, một lượng lớn diện tích rừng của Ấn Độ đã bị mất đi trong quá trình đô thị hóa và kéo theo sự xung đột môi trường sống giữa con người và động vật hoang dã.
Một vụ voi tấn công người ở bang Tây Bengal, Ấn Độ. Ảnh: South China Morning Post. |
Siddhanta Das, quan chức phụ trách rừng của Bộ Môi trường, nói rằng chính sự xâm lấn của con người đã gây ra những cái chết trên. "Chúng tôi đang cho chạy các chiến dịch tăng cường nhận thức để giảm thiểu thương vong", ông nói.
Trong số 1.144 người chết trong thời gian qua, 1.052 trường hợp là do voi gây ra và 92 trường hợp là các cuộc tấn công của hổ. Trong số này, bang Tây Bengal chiếm 1/4 số ca tử vong. Khu vực phía tây này là nơi sinh sống của gần 800 con voi và cả hổ Bengal thuần chủng.
Năm 2016, một đàn voi giận dữ đã "nổi loạn" trong nhiều giờ ở Tây Bengal, làm chết 5 người và phá hủy nhiều nhà cửa, phương tiện trước khi được tiêm thuốc giúp kiềm chế cơn giận.
South China Morning Post cho biết phần lớn các cuộc tấn công của voi đối với người diễn ra ở những "hành lang" nơi các đàn voi đã quen sống nhiều thế kỷ qua nhưng đang bị con người chiếm đóng và hoạt động tại đó.
Ấn Độ có gần 30.000 con voi. Nơi đây cũng là "nhà" của 2.226 con hổ, tức 1/2 số lượng cá thể hổ còn sót lại trên thế giới. Cả 2 loài vật đều được xếp vào loài đang bị đe dọa.
"Nạn giết hại các loài vật hoang dã đang diễn ra tràn lan ở Ấn Độ. Hàng trăm con báo, hổ và voi đang bị giết để lấy các bộ phận cơ thể", ông Tito Joseph của Hội Bảo vệ Động vật Hoang dã Ấn Độ cho biết.