Từ khi Ấn Độ ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc, Aritri Paul thường xuyên gặp phải các cơn hoảng loạn. “Nhịp tim trở nên nặng trĩu và tôi bỗng cảm thấy khó thở. Hai bàn tay tôi run rẩy và toát mồ hôi”, cô chia sẻ với CNN.
Paul, một cư dân sống tại Kolkata, cho biết: “Điều tồi tệ nhất là cơn đau ở đầu và ở mắt. Số cơn hoảng loạn mà tôi gặp phải trong năm nay nhiều hơn số cơn hoảng loạn trong cả đời cộng lại”.
Giống như Aritri Paul, nhiều người Ấn Độ cũng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần sau nhiều tháng phong tỏa. Kể từ tháng 6, chính phủ nước này đã ban hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc, giữ chân hơn 1,3 tỷ dân ở trong nhà để chống dịch.
Theo một nghiên cứu của Tổ chức Phòng chống Tự tử tại Ấn Độ (SPIF), gần 65% trong số 159 chuyên gia nhận thấy bệnh nhân tâm thần có xu hướng tự gây tổn thương trong thời gian gần đây.
Aritri Paul là một cư dân sống tại Kolkata. Ảnh: CNN. |
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm thần Ấn Độ cũng cho biết 40% trong số 1.685 người tham gia mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần trong giai đoạn chống dịch.
Đến nay, Ấn Độ đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa cực đoan song sức khỏe tâm thần của cộng đồng vẫn chuyển biến xấu. Ông Nelson Moses, người sáng lập tổ chức SPIF, cho biết: “Sức khỏe tâm thần chưa từng là một vấn đề được coi trọng ở Ấn Độ. Chúng tôi thường không có đủ nguồn vốn và nguồn nhân lực. Giờ đây, đại dịch Covid-19 gián tiếp tạo ra thêm nhiều bệnh nhân tâm thần”.
Sức khỏe tâm thần trong xã hội Ấn Độ
Theo cuộc khảo sát về Sức khỏe Tâm thần Quốc gia vào năm 2016, xã hội Ấn Độ có thể sử dụng hơn 50 thuật ngữ mang tính xúc phạm để chỉ những người mắc bệnh tâm thần.
“Mọi người thường nghĩ bệnh nhân tâm thần không đáng tin cậy và không đủ năng lực để sinh tồn. Những người mắc bệnh hiếm khi có cơ hội kết hôn”, một người tham gia khảo sát nhận xét.
Lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Ấn Độ, Aritri Paul không thể chia sẻ với gia đình về những cảm xúc tiêu cực mà mình gặp phải. “Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã hiểu rằng việc chia sẻ nỗi buồn sẽ làm phiền mọi người xung quanh”.
Paul cho biết các cuộc thảo luận trong gia đình thường gạt bỏ hoặc né tránh vấn đề này. “Mọi người chỉ nói đến câu chuyện tương tự của người ngoài và khiến tôi cảm thấy tội lỗi”, Paul chia sẻ.
Baldev Singh, cố vấn của Quỹ MINDS, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết: “Người Ấn Độ có một quan niệm sai lầm: chia sẻ cảm xúc tiêu cực chỉ dành cho những người yếu đuối”.
Sự kỳ thị đối với bệnh tâm thần khiến nhiều người thậm chí không nhận ra họ cần được giúp đỡ. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất cũng ngăn cản nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân tâm thần.
Theo cuộc khảo sát nói trên, 83% bệnh nhân tâm thần tại Ấn Độ không được tiếp cận với lộ trình điều trị đầy đủ. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết Ấn Độ chỉ có trung bình dưới 3 bác sĩ tâm lý cho một triệu dân. Trong khi đó, số liệu này ở Mỹ là 300 bác sĩ.
83% bệnh nhân tâm thần tại Ấn Độ không được tiếp cận với lộ trình điều trị đầy đủ. Ảnh: Zing. |
Các chuyên gia trong ngành còn cho biết khả năng được điều trị phụ thuộc vào nơi bệnh nhân tâm thần sinh sống. Pragya Lodha, Giám đốc Chương trình Mumbai của Quỹ MINDS, nhận xét: “Bệnh nhân sống ở thành thị có nhiều cơ hội điều trị hơn bệnh nhân sống ở nông thôn. Chúng tôi có thể nhìn thấy sự phân cấp rõ rệt”.
Nỗ lực muộn màng của chính phủ
Đối với chính phủ Ấn Độ, việc thay đổi quan điểm của 1,3 tỷ dân là một thách thức lớn. Song giới chức đang thực hiện nhiều nỗ lực đáng kể trong thời gian gần đây.
Cụ thể, nước này đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho những người chịu tác động của đợt phong tỏa kéo dài 68 ngày.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình, Viện Sức khỏe Tâm thần và Khoa học Thần kinh Quốc gia (NIMHANS) sẽ thiết lập một đường dây nóng nhằm kết nối bệnh nhân tâm thần với các chuyên gia sức khỏe.
Chính phủ Ấn Độ cũng ban hành nhiều bộ hướng dẫn, như hướng dẫn tập yoga, để giúp người dân chủ động rèn luyện sức khỏe tinh thần. Các tài liệu này còn đưa ra nhiều lời khuyên cho bệnh nhân tâm thần trong thời kỳ chống dịch.
Tuy nhiên, một vài bác sĩ nhận định các sáng kiến này chưa thể thay đổi thực trạng ở Ấn Độ. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng kinh phí là yếu tố quan trọng trong công cuộc cải thiện sức khỏe tinh thần cho cộng đồng.
CNN cho biết chỉ có 2% trong tổng ngân sách năm 2020-2021 của Ấn Độ dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong đó, chưa đến 1% số vốn này được phân bổ cho sức khỏe tâm thần.
Thái độ của người Ấn Độ đối với các chứng bệnh tâm thần. Ảnh: Zing. |
Ông Nelson Moses, người sáng lập tổ chức SPIF, cho rằng chính phủ Ấn Độ nên bắt đầu ưu tiên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần: “Covid-19 đã đẩy mọi người lên con thuyền của sự tuyệt vọng. Đây cũng là lúc chúng ta nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần”.