Ấn Độ sẽ tử hình tội phạm hiếp dâm
Dự thảo luật mới được Hạ viện Ấn Độ phê chuẩn ngày hôm qua cho phép các thẩm phán tuyên mức án cao nhất là tử hình đối với tội phạm hiếp dâm, thay cho án chung thân đang được áp dụng.
Việc xử phạt nghiêm khắc loại tội phạm hiếp dâm, vốn đang trở thành vấn nạn trong xã hội Ấn Độ, là mong mỏi của hầu hết người dân cấp tiến ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới. Sau gần 7 giờ tranh luật tại Hạ viện, dự thảo luật này đã được thông qua và chuyển lên Thượng viện trước khi chính thức được thực thi.
Biểu tình đòi treo cổ tội phạm hiếp dâm. |
Không chỉ xét xử nghiêm khắc hơn những kẻ phạm tội hiếp dâm, luật mới còn quy định những hình thức xử phạt cho các tội danh quấn rối tình dục khác. Việc tấn công bằng axit cũng sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Ngoài ra, luật mới cũng quy định biện pháp xử phạt đối với cảnh sát nếu như họ không tiếp nhận lời khai ban đầu của nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn.
Theo luật mới, kẻ phạm tội sẽ lĩnh án tử hình nếu nạn nhân chết hoặc chết não. Đối với tội hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em; quan chức chính phủ hoặc cảnh sát phạm tội sẽ phải lĩnh mức án tối thiểu 20 năm trở lên không được xét giảm án.
Trên thực tế, việc xiết chặt hình thức xử phạt đối với tội phạm hiếp dâm mà chính phủ Ấn Độ đang tiến hành xuất phát từ chính những yêu cầu không thể trì hoãn. Số liệu chính thức từ Cục Hồ sơ tội phạm Quốc gia Ấn Độ cho biết, cứ mỗi 22 phút trôi đi, có thêm một phụ nữ hoặc trẻ em gái ở quốc gia đông dân thứ 2 thế giới bị cưỡng hiếp.
Điều đáng nói, hàng chục triệu người Ấn Độ vẫn tiếp tục tin rằng, những người phụ nữ bị hãm hiếp là do bản thân họ bất cẩn. Chính vì lẽ đó, các bà mẹ thường rầy la con gái khi chúng mặc những chiếc áo sát nách hoặc quần jean bó sát bởi nó quá “hở hang”, khiến những thiếu nữ dễ dàng thu hút sự chú ý của những con “yêu râu xanh”.
Người dân biểu tình phản đối sự leo thang của tội phạm tình dục Ấn Độ. |
Chính vì vậy, ở các thành phố lớn như New Delhi, ra đường khi màn đêm buông xuống trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ nữ và những cô gái trẻ. Dù số lượng cảnh sát ở những thành phố như New Delhi không hề nhỏ nhưng phái yếu vẫn hoàn toàn “khuất bóng” trên các phương tiện công cộng khi màn đêm buông xuống.
Thực tế, vụ cưỡng hiếp tàn bạo nữ sinh 23 tuổi khi cô đi cùng với bạn trai trên một chiếc xe buýt lúc 9h tối là minh chứng rõ ràng nhất cho những nguy hiểm mà phụ nữ Ấn Độ phải gánh chịu. Không chỉ bị lột sạch quần áo và làm nhục, cô gái trẻ còn bị những kẻ đồi bại ném xuống đường gây thương tích nghiêm trọng, dẫn tới tử vong.
Tệ hại hơn nữa, có hàng loạt báo cáo về hành vi quấy rối tình dục hay thậm chí là hãm hiếp do chính lực lượng thực thi pháp luật Ấn Độ gây ra. Những ngày đầu tháng Giêng vừa qua, một thiếu nữ bị chính viên sĩ quan cảnh sát cưỡng bức sau khi được giải cứu khỏi nhà nghỉ, nơi cô bị đang bị 4 tên “yêu râu xanh” làm nhục.
Cùng thời gian đó, một viên chức của bang Puniab, nằm ở phía Bắc Ấn Độ đã bị bắn chết công khai sau khi cố gắng bảo vệ cô con gái khỏi sự quấy rối tình dục liên tiếp mà người dân địa phương gọi là “trêu chọc Eva”. Đáng nói, kẻ gây ra cái chết cho vị viên chức trên là một chính trị gia địa phương, người thường xuyên quấy rối thiếu nữ trẻ.
Biểu ngữ cáo buộc "cảnh sát New Delhi tiếp tay cho cưỡng hiếp". |
Trong khi những nạn nhân của cưỡng hiếp ở Ấn Độ ngày càng phổ biến thì hầu hết họ và người thân chỉ nhận lại được cái “nhún vai” khi trình bày sự việc với các nhà chức trách, bất kể họ đang sống ở thành thị hay nông thôn. Những hủ tục lạc hậu, quan điểm trọng nam khinh nữ hay sự bàng quan trong xã hội chính là những kẻ đồng phạm với nạn cưỡng hiếp, đang ngày càng trở nên nhức nhối.
Sự thờ ơ của cơ quan hành pháp, lập pháp khiến những kẻ thực hiện hành vi thú tính hiếm khi bị đưa ra xét xử hoặc lĩnh án không thích đáng. Tuy việc xâm hại, quấy rối phụ nữ không bao giờ được ủng hộ nhưng phạm tội tình dục mà không phải gánh chịu hậu quả là hành động tiếp tay mạnh mẽ nhất mà xã hội Ấn Độ trao cho những kẻ “cầm thú”.
Biểu tình đòi treo cổ những kẻ thực hiện hành vi đồi bại. |
Không còn cách nào khác, phụ nữ Ấn Độ và những người cấp tiến trong xã hội buộc phải xuống đường để nói lên tiếng nói bảo vệ chính mình. Những cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm yêu cầu trừng phạt những kẻ gây ra hành động cầm thú và nói lên tiếng nói bảo vệ phụ nữ đang được tiến hành trên khắp đất nước. Dù ít, dù nhiều, những hành động này cũng đang góp phần làm thay đổi nhận thức người dân cũng như ép buộc các nhà chức trách mạnh tay hơn với loại tội phạm này.
Vì sao phụ nữ Ấn Độ dễ trở thành nạn nhân?
Kiran Johl, nữ sinh viên người Mỹ gốc Ấn 25 tuổi, chia sẻ, các vụ hiếp dâm gần đây ở Ấn Độ không phải do đàn ông Ấn bức bối về sex mà do họ muốn thể hiện quyền lực phái mạnh.
Nữ sinh viên Ấn Độ, 23 tuổi, thiệt mạng sau khi bị hiếp dâm tập thể trên xe bus ở Thủ đô New Delhi cuối năm ngoái. |
Tôi không phải là chuyên gia văn hóa hoặc chính trị, nhưng là một phụ nữ Ấn và là một người làm công tác xã hội, tôi có rất nhiều điều muốn nói về vấn nạn hiếp dâm ở bất kỳ quốc gia nào.
Tôi không ngạc nhiên khi biết phụ nữ thường xuyên bị hãm hiếp ở Ấn Độ và tại sao những thông tin này chúng tôi nghe rất ít ở Mỹ. Theo tôi, nó đại diện cho hai hiện tượng khác nhau.
Kiran Johl. |
Tội phạm và cưỡng bức tình dục xảy ra ở khắp mọi nơi do mất cân bằng giới tính và đặc biệt là những tín ngưỡng xoay quanh tính nam và tính nữ. Đàn ông Ấn hay đàn ông nước khác thường có ý nghĩ phải luôn kiểm soát bản thân và mọi thứ xung quanh mình.
Về vụ một phụ nữ Thụy Sĩ bị những người đàn ông Ấn nghèo nàn cưỡng hiếp nói lên điều gì? Tôi tin rằng đó là phản ứng đối với cái nghèo khó của chính họ và họ hành động như vậy sau khi nhận ra mình không còn “tính chất đàn ông” trong người, xét theo khía cạnh khả năng kiếm sống để chu cấp cho bản thân hoặc hỗ trợ gia đình.
Nói cách khác, tôi không nghĩ họ làm thế chỉ để thỏa mãn nhục dục hoặc tìm kiếm niềm vui nào khác.
Khi nói về tính nữ, chúng ta hãy xem vụ hiếp dâm dã man của một nhóm 5 người đàn ông Ấn đối với một nữ sinh viên 23 tuổi. Cô sinh viên chưa kết hôn bị hãm hiếp khi đi cùng một chàng trai trẻ trên xe bus lúc trời sẩm tối. Tôi tin rằng những người đàn ông tội phạm đã cố gắng kiểm soát một người phụ nữ mà họ nghĩ là một cô gái quá độc lập và hiếp dâm sẽ là một cách để đàn áp cô.
Tôi nghĩ những người Ấn đang sinh sống và học tập ở Mỹ không nghe nhiều về các vụ hiếp dâm ở Ấn Độ một phần do sự bất bình đẳng kinh tế và chủng tộc ít nhiều trong xã hội Mỹ, các nạn nhân nghèo trên thế giới thường không phải là câu chuyện gì gây "đình đám".
Ngoài ra, là một phụ nữ Ấn thế hệ thứ 2, tôi không thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra khi tôi bàn luận với gia đình về tội phạm tình dục bởi theo thông lệ xã hội ở Ấn Độ, nói chuyện với phụ huynh về các vấn đề tình dục là khá khó khăn.
Tôi thiết nghĩ dù cho bạn đi đâu, thể chế chính trị và truyền thông sẽ luôn gắn bó mật thiết với nhau. Dù có lý do nào chăng nữa, các cuộc biểu tình vẫn xảy ra vì những tội ác này thật sự quá tàn bạo. Khi các quyết định chính trị được đưa ra, nạn hiếp dâm sẽ tùy theo đó có thật sự trở thành một vấn đề hệ trọng hay không.
Trịnh Duy
Theo Tuổi Trẻ