Tàu sân bay INS Viraat sẽ nghỉ hưu từ năm 2016 để lại một khoảng trống lớn trong việc triển khai sức mạnh trên biển của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia |
The Times Of India đưa tin, Hải quân Ấn Độ đã lên kế hoạch cho tàu sân bay INS Viraat nghỉ hưu vào năm 2016 sau 56 năm phục vụ. Tàu sân bay này chỉ có khả năng triển khai hoạt động 11 máy bay cất hạ cánh thẳng đứng AV-8 Harrier cùng một số máy bay khác.
INS Viraat không phải là một giải pháp khả thi ở mặt chiến lược hay kinh tế để tiếp tục duy trì hoạt động. Khi tàu sân bay này bị loại khỏi biên chế, Hải quân Ấn Độ chỉ còn tàu sân bay INS Vikramaditya nhập khẩu từ Nga. Do đó Ấn Độ cần đẩy mạnh tốc độ phát triển một tàu sân bay nội địa lấp vào khoảng trống mà INS Viraat để lại.
Giới lãnh đạo quân đội Ấn Độ và các chuyên gia đang đề xuất kích thước, hệ thống động lực cho tàu sân bay mới. Theo The Diplomat, Ấn Độ sẽ đóng mới tàu sân bay INS Vishal với lượng giãn nước khoảng 65.000 tấn. Điểm đặc biệt của tàu sân bay này là hệ thống phóng máy bay bằng điện từ EMALS do Mỹ phát triển.
EMALS cho phép triển khai máy bay với tốc độ nhanh hơn và dễ dàng hơn so với các tàu sân bay đang có của Ấn Độ. Ngoài ra, tàu sân bay INS Vishal sẽ có hệ thống thu hồi máy bay tương tự như loại sử dụng trên hàng không mẫu hạm Nimitz của Mỹ. Hệ thống này cho phép tàu sân bay Vishal triển khai các máy bay chiến đấu hạng nặng hoặc các máy bay trinh sát cánh cố định.
Tàu sân bay hạng nhẹ INS Vikrant do Ấn Độ tự đóng mới sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018 hoặc 2019. Ảnh: Business Insider |
The Times Of India ước tính, tàu sân bay INS Vishal cần phải hoàn thành trong thời gian từ 10-12 năm. Quá trình phát triển tàu sân bay này nhiều khả năng sẽ nhận được sự trợ giúp đáng kể từ Mỹ theo một thỏa thuận song phương.
Ngoài Vishal, Ấn Độ đang đóng mới một tàu sân bay nhỏ hơn mang tên INS Vikrant. Quá trình đóng mới tàu sân bay này cơ bản đã hoàn thành. Hải quân Ấn Độ dự định đưa tàu sân bay INS Vikrant vào hoạt động từ năm 2018 hoặc 2019. Ấn Độ đang kỳ vọng sẽ xây dựng 5 tàu sân bay ở các lượng giãn nước khác nhau để củng cố vị thế ở Ấn Độ Dương.
Kế hoạch phát triển tàu sân bay nội địa của Ấn Độ phản ánh sự cạnh tranh với sự phát triển không ngừng của Hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư xây dựng các hải cảng ở Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka và Myanmar. Những hải cảng này cho phép các tàu buôn, tàu chiến hoặc tàu ngầm của Trung Quốc có bến cảng an toàn dọc theo Ấn Độ Dương.
Gần đây, Ấn Độ đang nghi ngờ Trung Quốc tiến hành xây dựng một cảng cho tàu ngầm tại Colombo, gần Sri Lanka. Những lo ngại đã dấy lên về việc Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng một “chuỗi ngọc trai” dọc theo Ấn Độ Dương nhằm thiết lập ưu thế về hải quân và thương mại ở sân sau của Ấn Độ.
Trung Quốc đang hy vọng sẽ có 2 tàu sân bay hoạt động vào năm 2020. Việc đóng mới các tàu sân bay cùng kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Ấn Độ Dương của Trung Quốc có thể khiến hai cường quốc bị cuốn vào một cuộc đối đầu nhằm kiểm soát ưu thế hàng hải.