Ấn Độ hiểu rằng chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông cũng giống những gì nước này đã thực thi nhiều năm tại khu vực Ladakh của Ấn Độ gần "Ranh giới kiểm soát thực tế" (LAC). |
Theo The Hindustan Times số ra mới đây, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj đã từ Myanmar trở về sau các cuộc đàm phán đa phương liên quan đến tương lai của Đông Á và chính sách "hướng Đông" của Ấn Độ.
Trong chuyến đi này, bà Swaraj đã chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Ấn Độ lần thứ 12 và tham dự hội nghị thường niên Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), thảo luận về tương lai của khu vực với các đối tác quốc tế, trong đó có Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU).
Những cuộc trao đổi này rất quan trọng trong bối cảnh có sự cân bằng lực lượng tại châu Á, đặc biệt liên quan đến những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng như tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng ở Biển Đông.
Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc duy trì cán cân lực lượng tại Đông Á. Ấn Độ muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong khi vẫn theo đuổi chiến lược củng cố quan hệ với các nước trong khu vực,
New Delhi đã khôn ngoan áp dụng hướng đi không đối đầu, lặng lẽ củng cố các mối liên kết với khu vực Đông Nam Á, cùng ASEAN nhất trí về một loạt biện pháp nhằm tăng cường sự kết nối của giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực.Ấn Độ và ASEAN đã có 26 cơ chế đối thoại trong nhiều lĩnh vực, tiến hành họp thường niên và đang hướng tới một kế hoạch làm việc 5 năm. Một hiệp định thương mại tự do (FTA) về dịch vụ và đầu tư sẽ sớm được ký kết, trong khi vấn đề kết nối được đưa vào danh mục ưu tiên.
Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan đang thăm dò một hiệp định quá cảnh và kết nối hàng không giữa các thành phố cấp 2 và cấp 3 tại Ấn Độ với các địa điểm kinh doanh tại các nước ASEAN. Các kết nối về đường sắt và đường thủy cũng nằm trong chương trình nghị sự khi Ấn Độ tìm cách nâng những lợi thế của mình trong lĩnh vực không gian, dược phẩm và đào tạo nhằm duy trì lợi ích trong khu vực.
Ấn Độ rõ ràng muốn tiếp tục duy trì sự hiện diện tại khu vực bởi New Delhi tin rằng họ có lợi ích chiến lược tại Biển Đông. Các tàu hải quân Ấn Độ đã có các chuyến thăm hữu nghị tới tất cả các nước trong khu vực vốn bị ảnh hưởng bởi chính sách đối ngoại bành trướng của Trung Quốc.
Những hành động quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông trở nên mạnh mẽ trong tháng 5, khi Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc cuối cùng đã di chuyển giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam vào ngày 15/7, Bắc Kinh vẫn bảo lưu quyền di chuyển giàn khoan theo ý muốn.
Gần đây, Trung Quốc còn thông báo kế hoạch xây dựng cột hải đăng trên 5 hòn đảo ở Biển Đông, trong đó có hai đảo tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Theo các bản đồ của Bắc Kinh phát hành, Trung Quốc đòi chủ quyền khoảng 90% Biển Đông.
Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. |
Theo The Times of India, chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông cũng giống như chiến lược mà họ thực thi tại khu vực Depsang và Demchok ở Ladakh của Ấn Độ gần "Ranh giới kiểm soát thực tế" (LAC) với Trung Quốc.
Binh sĩ Trung Quốc đã có nhiều vụ xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ, song chưa đủ để dẫn đến xung đột giữa hai bên. Tuy nhiên, với việc lặp lại những hành động như vậy, Trung Quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng thiên về hướng có lợi cho họ.