Kashmir, điểm nóng tranh chấp chủ quyền giữa Ấn Độ và Pakistan, vẫn bị kiểm soát nghiêm ngặt hôm 10/8 sau khi Ấn Độ quyết định xóa bỏ quyền tự trị hiến định của khu vực này, gây ra phản ứng giận dữ từ hai nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc.
Pakistan nói rằng với sự hỗ trợ của Trung Quốc, họ sẽ đưa các hành động đơn phương của Ấn Độ tại Kashmir ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo AP. Đồng thời, Islamabad cũng có thể tiếp cận Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về vấn đề mà họ cho là tội ác diệt chủng đối với người Kashmir.
Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền với toàn bộ khu vực Kashmir sau khi độc lập từ Anh năm 1947. Hiện tại, mỗi bên quản lý và kiểm soát một phần vùng đất thuộc Himalaya này. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ giáp Tây Tạng hiện do Trung Quốc kiểm soát.
Việc Ấn Độ thiết quân luật tại Kashmir khiến người dân nơi đây bị hạn chế tiếp xúc với lương thực và nhu yếu phẩm. Ảnh: AP. |
Ngày 5/8, Ấn Độ quyết định chuyển bang Jammu và Kashmir - khu vực do Ấn Độ kiểm soát tại vùng đất tranh chấp - thành 2 "lãnh thổ liên bang" nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương. Trong khi New Delhi nói đây chỉ là vấn đề nội bộ, Pakistan cho rằng nước láng giềng muốn siết chặt kiểm soát và đàn áp tại khu vực có đa số dân là tín đồ Hồi giáo này.
Phiến quân đã chiến đấu chống lại sự quản lý của Ấn Độ trong nhiều thập kỷ ở Kashmir và hầu hết cư dân Kashmir muốn độc lập hoặc sáp nhập với Pakistan, theo AP.
Lãnh đạo phe đối lập chính của Ấn Độ, ông Rahul Gandhi, đã yêu cầu Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi làm rõ tình hình ở Kashmir hôm 10/8, bao gồm cả bạo lực và chết người.
Ngày 8/8, Thủ tướng Modi đã trấn an người dân Jammu và Kashmir rằng hòa bình sẽ dần trở lại và chính phủ Ấn Độ đảm bảo rằng những hạn chế hiện tại không ảnh hưởng đến lễ hội Hồi giáo Eid al-Adha sẽ vào ngày 12/8.
Lệnh giới nghiêm vô thời hạn đã được nới lỏng hôm 9/8 tại các nhà thờ ở thành phố Srinagar, trung tâm của khu vực, trong thời gian cầu nguyện của người Hồi giáo.
Tuy nhiên, hàng nghìn cư dân vẫn bị buộc phải ở trong nhà và hầu hết cửa hàng và phòng khám y tế bị đóng cửa. Mọi dịch vụ điện thoại và Internet bị cắt. Quân lính và cảnh sát được triển khai để tiến hành lệnh thiết quân luật.
Các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái biểu tình chống Ấn Độ. Điều này sẽ quyết định việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế cho ngày lễ của người Hồi giáo.