Hàng trăm người đã tổ chức biểu tình tại nhiều khu vực ở Ấn Độ vào ngày 27/8, nhằm phản đối quyết định ân xá 11 người đàn ông từng bị kết án chung thân vì cưỡng hiếp một phụ nữ Hồi giáo trong cuộc bạo động năm 2002, theo Guardian.
Những người biểu tình ở thủ đô New Delhi đã hô vang khẩu hiệu yêu cầu chính quyền bang Gujarat hủy bỏ quyết định này. Họ cũng hát những bài hát bày tỏ sự cảm thông với nạn nhân.
Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức ở một số bang khác.
11 người đàn ông đã được thả khỏi nhà tù Pachmahals tại bang Gujarat vào ngày 15/8, khi Ấn Độ kỷ niệm 75 năm ngày độc lập khỏi sự thống trị của thực dân Anh.
Một phụ nữ Hồi giáo tham gia biểu tình ở New Delhi, vào ngày 27/8. Ảnh: AP. |
Nạn nhân trong vụ cưỡng hiếp, hiện 40 tuổi, cho biết quyết định của chính quyền bang Gujarat đã khiến cô chết lặng và mất niềm tin vào công lý.
Nạn nhân đang mang thai khi bị cưỡng hiếp tập thể trong một vụ bạo động khiến hơn 1.000 người, chủ yếu là người Hồi giáo, thiệt mạng vào năm 2002. 7 thành viên trong gia đình nạn nhân, bao gồm cả con gái 3 tuổi của cô, cũng thiệt mạng trong vụ bạo lực.
“Cả đất nước nên yêu cầu một câu trả lời trực tiếp từ lãnh đạo”, Kavita Krishnan, nhà hoạt động nổi tiếng, nói.
Các quan chức ở Gujarat, nơi đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Narendra Modi nắm quyền, cho biết đơn xin ân xá của 11 tội phạm này được chấp thuận vì họ đã chấp hành hơn 14 năm tù.
Giới chức bang cho biết những người đàn ông đủ điều kiện trả tự do theo chính sách miễn trừ năm 1992, có hiệu lực vào thời điểm họ bị kết án.
Chính sách mới nhất được chính phủ liên bang thông qua vào năm 2014 nghiêm cấm việc ân xá cho những người bị kết án về một số tội nhất định, bao gồm hiếp dâm và giết người.
Asiya Qureshi, ở New Delhi, cho biết cô tham gia biểu tình để đòi công lý cho nạn nhân.
“Thủ tướng Modi đã có một bài phát biểu vào ngày 15/8 về sự an toàn và bảo vệ phụ nữ Ấn Độ. Nhưng cùng ngày, họ thả những tội phạm cưỡng hiếp”, cô nói. "Làm thế nào tôi có thể sống an toàn trong hoàn cảnh như vậy?".