Theo SCMP, căng thẳng chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có tác động nhất định tới việc sản xuất iPhone. Chính phủ quốc gia lớn nhất Nam Á đang áp dụng quy định hạn chế cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Trung Quốc.
Các nhà máy lắp ráp iPhone tại Ấn Độ gặp khó vì thiếu những kỹ sư người Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng này nóng lên sau các cuộc đụng độ ở biên giới vào năm ngoái. Điều đó khiến cho một số lĩnh vực dân sự, kinh tế cũng chịu ảnh hưởng.
Vài tháng nay, Ấn Độ đã cấm một số ứng dụng di động có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện tại họ cũng cấp thị thực cho công dân Trung Quốc với tốc độ chậm hơn bình thường.
Theo nguồn tin riêng của SCMP, Ấn Độ gần như phong tỏa việc cấp thị thực đối với các kỹ sư Trung Quốc. Đây là nhóm nhân sự quan trọng, đối tác gia công cho Apple cần họ để thiết lập và tổ chức dây chuyền sản xuất.
Tuy nhiên, cũng có thể chính sách không vì vấn đề chính trị mà chỉ là nỗ lực hạn chế sự bùng phát của Covid-19. Tình trạng lây nhiễm khó kiểm soát khiến chính quyền Ấn Độ siết chặt nhập cảnh từ bên ngoài vào.
Dù lý do gì, thiếu các chuyên gia người Trung Quốc đã khiến sản xuất iPhone tại Ấn Độ gặp nhiều khó khăn.
Một số dây chuyền sản xuất iPhone được đặt tại Ấn Độ. Ảnh: MacRumors. |
Việc này xảy ra ngay sau thời điểm Thủ tướng Narendra Modi công bố kế hoạch khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin, trong đó có tablet, PC và máy chủ.
Theo Reuters, phía Ấn Độ muốn Apple hợp đồng các doanh nghiệp của nước này gia công iPad, thay vì những công ty đến từ Trung Quốc. Đổi lại, gã khổng lồ xứ Cupertino có thể nhận được ưu đãi từ chương trình có nguồn vốn hàng tỷ USD.
Foxconn và Pegatron, những đối tác gia công phần cứng cho Apple, đã hưởng ứng kế hoạch của chính phủ Ấn Độ. Họ tiếp tục tăng cường đầu tư vào quốc gia này, vận hành nhiều dây chuyền sản xuất iPhone có công suất lớn.
Đây là một phần trong nỗ lực tổng thể của Apple nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chuyển dần sang các nước khác như Ấn Độ hoặc Việt Nam.