Vào tháng 2, Amazon đã cho lắp đặt hệ thống camera "Driveri" lên 30.000 xe giao hàng của công ty. Bộ camera AI này có thể phát hiện dấu hiệu mệt mỏi của tài xế và buộc dừng xe trong 15 phút nếu phát hiện họ đang ngáp.
Một trong bốn camera đảm nhiệm việc giám sát hành vi của tài xế trong suốt quá trình giao hàng. Ảnh: Daily Mail. |
Cách thức hoạt động của "Driveri" cụ thể như sau, bốn chiếc camera được bố trí trên kính chắn gió và cửa sổ sẽ ghi lại hoạt động của tài xế và khu vực xung quanh trong suốt quá trình giao hàng. Khi AI phát hiện người cầm lái có biểu hiện mệt mỏi sẽ tự động tải trực tiếp tình hình trong xe về máy chủ Amazon và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp.
Có tất cả 16 hành vi mà AI có thể nhận ra bao gồm tài xế mất tập trung, chạy quá tốc độ, tài xế buồn ngủ...
16 tiêu chí được Amazon đưa ra dựa trên các nguyên nhân có thể gây ra tai nạn khi tham gia giao thông. Ảnh: Business Insider. |
Quyết định này của Amazon đã khiến một số tài xế của công ty phản đối. Theo Business Insider, một tài xế đã chọn nghỉ việc vì anh cho rằng chính sách mới đang xâm phạm quyền riêng tư.
Theo Karolina Haraldsdottir, quản lý cấp cao thuộc bộ phận an toàn chặng cuối của Amazon, việc làm này không xâm phạm quyền riêng tư vì công ty không theo dõi nhất cử nhất động của nhân viên. Hoạt động của tài xế chỉ được phát trực tiếp mỗi khi AI phát hiện những biểu hiện vi phạm 16 điều trên.
"Tại Amazon, an toàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng hệ thống này sẽ mang lại cho người lái xe và người dân sự an tâm", Haraldsdottir chia sẻ.
Cô cũng nhấn mạnh hệ thống camera có thể được sử dụng để "minh oan cho người lái xe khỏi những sự cố khác nhau". Tài xế còn được phép tự động tải video nếu có vấn đề cần báo cáo.
Theo ProPublica, có ít nhất 10 ca tử vong liên quan đến các tài xế giao hàng ở Amazon. Con số thực tế có thể gấp 4 lần. Ảnh: WCVB. |
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến không hài lòng về chính sách mới của Amazon. "Chúng tôi ở đây làm việc cả ngày, cố gắng hết sức rồi. Máy ảnh chỉ là một cách để kiểm soát chúng tôi", Henry Search, nhân viên giao hàng tại Amazon chia sẻ.
Những người ủng hộ quyền riêng tư cảnh báo rằng việc Amazon trang bị camera AI lên 30.000 xe giao hàng có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm ảnh hưởng đến quyền của người khác.
“Đây dường như là cuộc giám sát doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu điều này trở thành tiêu chuẩn, quyền riêng tư của con người sẽ không còn", Evan Greer, Phó giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Fight for the Future cho biết.
Theo Evan Greer, có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề an toàn, chẳng hạn làm chậm tốc độ làm việc.
“Để cải thiện sự an toàn, điều đầu tiên Amazon nên làm là không có những hạn ngạch giao hàng quá mức buộc mọi người phải rơi vào tình trạng không an toàn", Geer nói.
Một tài xế khác ở Massachusetts cho biết anh ta muốn một camera gắn bên ngoài để ghi lại bằng chứng khi gặp tai nạn hơn là một camera giám sát chính mình.
Nhân viên giao hàng tại Amazon gọi đây là một sự kiểm soát và điều này làm họ cảm thấy bất an. Ảnh: Toronto Star. |
Trước những ý kiến phản đối, Haraldsdottir tuyên bố chỉ một số vị trí quan trọng mới được ủy quyền truy cập vào xem cảnh quay của tài xế.
Tuy nhiên, điều mà những nhân viên giao hàng lo ngại là Amazon có thể bán cảnh quay cho bên thứ ba hoặc sử dụng camera để theo dõi hiệu suất công việc của họ.
"Các nhà tuyển dụng có thể xem đoạn phim mà họ nhận được từ Amazon và quyết định từ chối bạn khi bạn đi xin việc làm", một tài xế đến từ Michigan bày tỏ. Hiện tại, anh đang tìm kiếm công việc khác vì không muốn bị giám sát.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết Amazon đã có một hệ thống giám sát trong khắp kho hàng của mình để theo dõi chuyển động của công nhân và tăng năng suất. Trong đó bao gồm phần mềm điều hướng, máy quét mặt hàng, dây đeo cổ tay, máy ảnh nhiệt và camera theo dõi.
"Hiện tại, vẫn chưa có luật nào hạn chế hoàn toàn cách Amazon sử dụng các đoạn phim của họ", Geer cho biết.
"Mặc dù ý tưởng sử dụng AI để tăng cường an toàn cho người lái xe là điều đáng khen ngợi. Nhưng việc không nghĩ đến các vấn đề về quyền riêng tư là điều đáng lo ngại", nhà báo người Mỹ, Andrew Ferguson chia sẻ.
Trước đây, Amazon cũng từng đối mặt với làn sóng phản đối tương tự đến từ nhân viên. Vào tháng giêng, hơn 200 công nhân đã ký vào một bản kiến nghị gửi đến CEO Jeff Bezos yêu cầu chấm dứt cái gọi là "giám sát lao động".