Sáng nay 14/3, diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử 2018 được tổ chức với tâm điểm chú ý dồn vào Amazon, một đại diện lớn tham gia diễn đàn. Lý do là trước đó có thông tin cho rằng Amazon sắp vào Việt Nam kinh doanh, và sự kiện lần này sẽ có đại diện của hãng công bố kế hoạch.
Tuy nhiên, có mặt tại diễn đàn, ông Gijae Seong, Giám đốc bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore, chỉ đề cập đến việc hãng này đang tìm kiếm các nhà sản xuất, các nhà xuất khẩu tại chỗ ở Việt Nam.
Theo ông Gijae Seong, Amazon đang xây dựng đội ngũ nhân viên hỗ trợ tại Đông Nam Á, để hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, xuất khẩu trên nền tảng của Amazon.
Ông Gijae Seong, Giám đốc bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore . Ảnh: Hiếu Công. |
Amazon đang có mặt tại 13 quốc gia trên thế giới, 2 quốc gia mới nhất là Brazil và Australia. Tuy nhiên, khách hàng của hãng đến từ 180 quốc gia và những người bán hàng trên Amazon cũng có mặt tại 172 quốc gia, trong đó có cả Việt Nam.
Ông này nhấn mạnh thị trường bán lẻ toàn cầu đang có xu hướng chuyển sang thương mại điện tử. Năm 2016, doanh thu thương mại điện tử đạt 2.000 tỷ USD, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi con số này. Vị này nhấn mạnh các nhà sản xuất có thể xuất khẩu tại chỗ nhiều mặt hàng ngay thông qua Amazon mà không cần nhà kho hay hàng hóa tại Mỹ và các nước trên thế giới.
Trao đổi với Zing.vn, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết chưa hề nhận được thông tin nào cho thấy Amazon sẽ vào kinh doanh ở Việt Nam.
Trước đó, một số thông tin cho biết Amazon sẽ vào kinh doanh tại Việt Nam khiến nhiều cảm thấy hào hứng, vì đây là hãng thương mại điện tử lớn nhất hành tinh. Ông chủ của hãng đang là người giàu nhất thế giới theo thống kê vừa công bố của Forbes.
Amazon vẫn chưa vào Việt Nam như nhiều người kỳ vọng. |
Theo bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen miền Bắc, xu hướng Internet và thương mại điện tử đang phát triển trên khắp thế giới và cả Việt Nam.
Dự đoán năm 2020 sẽ có khoảng 4 tỷ người trên thế giới kết nối Internet. Các xu hướng sẽ ngày càng phát triển như Bigdata, công nghệ thực tế ảo, kinh tế chia sẻ… và thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Dự báo đến năm 2025, doanh thu kinh tế chia sẻ trên toàn thế giới sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD.
Tại Việt Nam đang có 59 triệu người sử dụng Internet. Đến năm 2020, dự báo con số này lên tới 59 triệu người, chiếm 60% dân số. Hiện 91% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh, trong đó số lượng người ở nông thôn là gần 80%. Người Việt Nam đang vào Internet trung bình 25 giờ/tuần.
Nielsen cũng cho biết thu nhập của người Việt Nam ngày càng tăng lên, trong khi cuộc sống ngày càng bận rộn, do đó xu hướng thương mại điện tử sẽ ngày càng tăng cao.