Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ám ảnh sau vụ tai nạn khiến người đàn ông thành 'trẻ nhỏ'

30 tuổi đời, Cường lại quay lại cái thời ê a tập nói, tập cầm nắm như trẻ lên 3 sau một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Bởi thế, phút đối diện với kẻ gây tai nạn, Cường la hét, điên loạn cảm xúc….

Phút đối diện với kẻ gây tai nạn

Căn phòng xử án của TAND quận Đồ Sơn – Hải Phòng ngập trong những xúc cảm, tiếng la hét thất thanh nhưng không rõ lời của nạn nhân Phạm Văn Cường (SN 1983, ở tổ 6, Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng) khiến mọi người không khỏi băn khoăn. Người cha già nua, gầy yếu của Cường là ông Phạm Văn Chức (60 tuổi) cố sức đỡ đứa con trai bất hạnh, vỗ về con qua cơn hoảng loạn. Sau hơn hai năm kể từ ngày trở về từ “cõi chết”, phút đối diện với kẻ gây ra tai nạn vẫn khiến Cường không khỏi kinh hoàng, phẫn uất. Trước tình huống bất ngờ này, chủ tọa phiên tòa đã phải lên tiếng, vừa là nhắc nhở, vừa là động viên tinh thần của bị hại. Trong vòng tay người thân, Cường cũng cố nén cảm xúc, nhưng chỉ được ít phút, người thanh niên ấy lại hoảng loạn, hét lên khó kiểm soát.

30 tuổi, nạn nhân Cường lại trở lại cái thời ê a tập nói, tập cầm nắm...như trẻ lên 3, sau vụ tai nạn giao thông khủng khiếp.

Trước tinh thần hoảng loạn của bị hại, bị cáo Lương Ngọc Vĩnh (SN  1983, ở tổ Chẽ, Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng) chỉ biết cúi gằm mặt trước vành móng ngựa, hứng chịu những ánh mắt oán trách của mọi người có mặt trong phòng xử án. Người thân của bị cáo Vĩnh cũng có mặt tại khán phòng xử án, nhưng Vĩnh chẳng dám ngoái lại nhìn, dường như sợ chạm vào ánh mắt đau khổ của những người ruột thịt. Vẻ ngang tàng, ngỗ ngược vốn có trước đây phút chốc như tan biến, chỉ còn lại một kẻ lầm lũi trước công lý.

Phiên xử bắt đầu, vị đại diện Viện kiểm sát đọc bản cáo trạng truy tố trước công đường. Từng lời mô tả khiến vụ tai nạn như thước phim quay chậm hiện về trong ký ức của cả bị hại và bị cáo. Để rồi phút chốc, bị hại nấc lên trong đau đớn cả tinh thần và thể xác, còn bị cáo chỉ biết trân trân cúi mặt lặng im.

Khoảng 20h15 ngày 28/2/2012, Vĩnh điều khiển xe máy BKS 21V9 đi trên đường Nguyễn Hữu Cầu (Đồ Sơn) theo hướng từ bến cá Ngọc Hải, đi trung tâm thành phố Hài Phòng. Khi đến khu vực ngã ba bốt Bà Thau, thuộc phường Ngọc Xuyên, Vĩnh không chấp hành hiệu lệnh của hệ thống đèn tín hiệu giao thông, lái xe vượt đèn đỏ với tốc độ cao, đâm thẳng vào xe máy BKS 16K5 do Phạm Văn Cường điều khiển, đi theo hướng chiều ngược lại.

Hậu quả, vụ tai nạn làm Vĩnh và Cường đều bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại BV Việt-Tiệp, 2 xe máy hư hỏng nặng. Tại bản giám định pháp y của Trung tâm Pháp y TP Hải Phòng, nạn nhân Cường bị đa chấn thương: chấn thương sọ mặt, gãy kín 1/3 xương đòn trái, gãy kín 1/3 xương đùi trái, gãy mắt cá chân trái. Sau 2 năm điều tra tại BV và tại gia đình, nạn nhân Cường bị giảm 91% sức lao động. Vĩnh là người gây tai nạn cũng bị các thương tích làm giảm 69% sau khi đã điều trị tại BV, đồng thời bị mất trí sau tai nạn. Do đó, Viện KSND quận Đồ Sơn đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Vĩnh tại Viện giám định pháp y tâm thần Trung ương.

Hậu vụ tai nạn khủng khiếp ấy, cả Vĩnh và Cường đều phải nhập viện điều trị với thời gian dài. Gia đình bị cáo quá khó khăn nên trước khi đưa vụ án ra xét xử, bố mẹ Vĩnh cố gắng chạy vạy khắp nơi, nhưng cũng chỉ bồi thường cho gia đình nạn nhân Cường 20 triệu đồng. Số tiền đó mới chỉ khắc phục được một phần rất nhỏ so với đề nghị của người bị hại và gia đình người bị hại. Tại bản án sơ thẩm, TAND quận Đồ Sơn đã tuyên phạt bị cáo Vĩnh 21 tháng tù, buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 662.620.000 đồng, do phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại khoản 1 điều 202 BLHS. Cho rằng mức bồi thường đó là quá lớn nên bị cáo Vĩnh đã làm đơn kháng cáo. Còn gia đình bị hại làm đơn kháng cáo bởi cho rằng hình phạt đối với bị cáo là quá nhẹ so với những gì mà Vĩnh đã gây ra cho Cường…

Nỗi đau dai dẳng

Kết thúc phiên xử án, người cha già của nạn nhân Cường vội đẩy xe lăn đưa con về nhà. Vừa về đến cổng, mẹ của Cường là bà Đinh Thị Hiền (60 tuổi) hớt hải chạy ra đỡ Cường vào nhà. Trải lòng mình về đứa con trai bất hạnh, về vụ tai nạn, bà Hiền bảo giờ nước mắt bà đã cạn kiện, đã tận cùng đau đớn vì những ngày tháng qua. Bà Hiền tâm sự: “Dù vất vả chúng tôi cũng gắng cho Cường được ăn học, có nghề nghiệp ổn định. Tối hôm đó, hai vợ chồng tôi đi phụ xây về, chuẩn bị cơm tối xong, nhưng đợi mãi không thấy Cường về. Một lúc sau, có người hàng xóm báo tin Cường bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện. Nhìn thấy con bất tỉnh, chân trái gãy rời, thâm tím, khuôn mặt biến dạng, lòng tôi rối bời, không biết con mình sẽ sống hay chết. Bác sĩ bảo con tôi có 10 phần thì đã chết 7 rồi, nên khó lòng qua khỏi...”.

Với Cường, những ám ảnh về vụ tai nạn vẫn dai dẳng đeo bám anh

Do bị tụ máu não nên 2 tháng điều trị tại khoa cấp cứu BV Việt - Tiệp, Cường vẫn hôn mê sâu, phải mở khí quản để thở và ăn theo đường ống xông, tính mạng của Cường đó chỉ còn biết trông vào sự may rủi. Gia đình có ý định chuyển Cường lên Hà Nội để điều trị, nhưng bác sĩ khuyên không nên đưa đi bởi tình trạng bệnh của Cường quá nặng, sẽ không qua khỏi nếu chuyển tuyến. Quãng thời gian chăm con tại viện, vợ chồng bà Hiền đã phải bán đi một phần đất ở, cộng với số tiền vay mượn họ hàng đã lên đến hơn 200 triệu đồng để chạy chữa cho con với hy vọng "còn nước còn tát", nhưng bệnh của Cường vẫn không thuyên giảm. Gia đình đành chấp nhận đưa con về nhà điều trị ngoại trú trong sự chờ đợi không biết khi nào Cường mới thoát khỏi đời sống thực vật.

Hơn 8 tháng nằm liệt giường, ăn uống và vệ sinh tại chỗ khiến phần xương cụt của Cường bị hoại tử, miếng loét, lõm sâu và loang to bằng miệng bát tô. Rồi ai mách bài thuồc gì, bà Hiền đều cất công đi mua, về nhà tự sắc cho con uống. Bà mời thầy thuốc về nhà châm cứu mong con nhúc nhích được cơ thể. Rồi ngày  ngày, bà Hiền phải kiên nhẫn dạy Cường tập nói: o, a, b… rồi gọi: bà, mẹ, bố… như đứa trẻ đang tập nói. Bà hy vọng Cường sẽ nói được tròn vành, rõ tiếng như xưa, nhưng hy vọng đó thật mong manh…

Từ ngày con bị nạn, bà Hiền bỏ hết việc đồng áng và nghỉ làm thuê để chăm sóc Cường cẩn thận như chăm đứa con thơ. Bà xay gạo thành bột trẻ em, trộn lần thức ăn đã xay nát, nấu loãng rồi tỉ mỉ bơm vào dạ dày cho con. Do bị liệt lão, nên Cường không có biểu hiện mót đại tiện và hơn 1 năm trời, bà Hiền phải đi găng tay để móc phân cho con. Do được chăm sóc chu đáo, Cường có dấu hiệu phục hồi vùng não bị tổn thương. Tuy nhiên, di chứng để chấn thượng sọ não nặng nề khiến Cường bị liệt nửa người bên phải và giọng nói vẫn chỉ ú ớ rất khó nghe. Mọi sinh hoạt cá nhân Cường vẫn phải phụ thuộc vào người mẹ già. Cũng do hôn mê sâu, phần xương chân bị gãy của Cường không thể phẫu thuật ngay nên bị dính buộc phải cắt bỏ đoạn xương dính, khiến Cường chấp nhận chân ngắn, chân dài.

Được sự động viên của gia đình, Cường kiên trì tập luyện cơ tay, nhưng em vẫn không thể thoát khỏi tình trạng liệt nửa người. Khi hỏi về bản thân, Cường lại khóc và ú ớ bảo rằng: “Em không thể tự mình làm gì cho bản thân nữa rồi, em chỉ muốn chết. Nhưng chết rồi thì bao công lao chăm sóc của mẹ đổ hết xuống biển…”. Đau đớn hơn, Cường nhận ra mình không còn khả năng làm bố như người bình thường.

Cường bị tai nạn khiến gia đình nghèo nay càng thêm túng bấn. Bà Hiền phải ở nhà chăm sóc con, nên mọi lo toan cho sinh hoạt, đều dồn lên vài ông Chức. Tuổi cao, sức lại yếu nhưng bất kể nắng mưa, ông Chức vẫn phải lên đồi hái chè đem ra chợ bán, mỗi ngày kiếm 50.000- 70.000 đồng để mua gạo và thức ăn cho cả gia đình. Còn món tiền nợ họ hàng, bạn bè vài trăm triệu thì để chạy chữa cho con thì không biết đến bao giờ vợ chồng bà Hiền mới trả được. Bà Hiền bảo: “Nhìn hoàn cảnh nhà tôi thế này, cũng chẳng ai dám nỡ đến đòi nợ. Nhưng nợ thì phải trả thôi, nếu không trả được có lẽ vợ chồng tôi sẽ phải bán nốt căn nhà nhỏ này…”.

Day dứt vì con bị liệt, bà Hiền còn ấm ức hơn bởi hơn 2 năm sau ngày tai nạn, gia đình bị cáo Vĩnh không một lần đến thăm hỏi động viên con trai bà. “Vợ chồng tôi chỉ mong vụ án sẽ sớm được xét xử phúc thẩm, để trả lại sự công bằng cho con tôi, đồng thời là bài học răn đe cho những thanh niên phóng nhanh vượt ẩu, gây họa cho người dân vô tội, để rồi có hối hận thì cũng đã quá muộn màng….” – bà Hiền chia sẻ.

 

Thùy Linh

Bạn có thể quan tâm