Tuần trước, Chủ tịch Taobao và Tmall Tưởng Phàm vướng vào bê bối ngoại tình, khi vợ ông đăng lên mạng xã hội chỉ đích danh người mẫu Trương Đại Dịch là kẻ thứ ba cố chen chân, phá hoại của gia đình đang hạnh phúc.
Chỉ vài ngày sau, theo Bloomberg, Alibaba đã loại bỏ Chủ tịch Taobao Tưởng Phàm ra khỏi nhóm quyền lực gồm 38 thành viên, có quyền quyết định cơ cấu hội đồng quản trị công ty. Đồng thời, Alibaba cũng hạ ông Tưởng từ chức phó chủ tịch cấp cao xuống phó chủ tịch và cắt thưởng một năm.
Tưởng Phàm được đánh giá có thể trở thành CEO tương lai của Alibaba, nhưng đã bị phạt nặng sau bê bối ngoại tình. Ảnh: Alibaba. |
Trước bê bối, Tưởng Phàm được đánh giá là lãnh đạo tài năng trong giới công nghệ Trung Quốc. Ở tuổi 35, ông đã là chủ tịch hai nền tảng thương mại điện tử hàng đầu nước này. Tưởng Phàm được kỳ vọng sẽ kế nhiệm vị trí CEO của Alibaba trong tương lai.
Tháng 6/2019, khi chưa đầy 34 tuổi, Tưởng Phàm đã trở thành thành viên trẻ nhất "nhóm quyền lực" gồm 38 người của Alibaba. Đây là vị trí dành cho những nhân vật quan trọng nhất của tập đoàn này, là đại diện đưa ra các quyết định về chiến lược của Alibaba và cơ cấu lãnh đạo công ty.
Với việc bị loại khỏi hội đồng này, ông gần như không còn cơ hội để trở thành lãnh đạo cấp cao nhất tại Alibaba.
Theo biên tập viên Doug Young của trang Caixin, những hành động trừng phạt này ngoài tính răn đe đối với Tưởng Phàm còn là cách xây dựng hình ảnh của Alibaba trước công chúng.
Ông Young lưu ý rằng Alibaba lần này đã công khai những hình thức phạt một lãnh đạo công ty con của mình, dù họ xử lý giống như là việc nội bộ. Cách xử lý này rất khác so với cách mà JD.com ứng xử trước công chúng vào năm 2018, khi nhà sáng lập kiêm CEO Lưu Cường Đông bị bắt ở Mỹ vì nghi án hiếp dâm.
Ông Lưu Cường Đông, nhà sáng lập JD.com từng vướng vào nghi án hiếp dâm tại Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Ông Lưu Cường Đông cuối cùng được thả và không bị truy tố do không tìm thấy bằng chứng, nhưng vẫn bị người phụ nữ kia kiện vào năm 2019. Khi mà các doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng hướng tới những thị trường nước ngoài và xây dựng những giá trị về văn hóa, môi trường, thì các bê bối của lãnh đạo là điều tối kỵ.
"Rõ ràng một doanh nghiệp với văn hóa khuyến khích các trách nhiệm xã hội sẽ được đánh giá tốt hơn. Alibaba và những đối thủ đều đang chịu sức ép thành công bên ngoài Trung Quốc, thị trường tiềm năng cho tăng trưởng trong tương lai khi thị trường Trung Quốc đã bão hòa", ông Young nhận xét.
Do vậy, bê bối ngoại tình của Tưởng Phàm khiến Alibaba buộc phải xử lý mạnh tay và công khai, nhằm xây dựng hình ảnh công ty có trách nhiệm. Đây cũng là cách tập đoàn này cho thấy mình "trên cơ" JD.com, ít nhất là ở khả năng trừng phạt lãnh đạo cấp cao.
Ông Young tin rằng sự trừng phạt cũng là một lời nhắc nhở của những người đứng đầu Alibaba với vị lãnh đạo trẻ. Do vậy, vẫn có khả năng Tưởng Phàm sẽ được chấp nhận trở lại nhóm quyền lực của Alibaba trong tương lai sau khi đã nhận được bài học.