Theo Bloomberg, Alibaba Group Holding vừa công bố tăng trưởng doanh thu ở mức một chữ số. Điều này làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi của tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc.
Mới đây, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho biết đã chính thức thông qua việc tách rời mảng dịch vụ đám mây bằng cách phân phối cổ phiếu cho cổ đông. Alibaba cũng nghiên cứu về các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của công ty logistics Cainiao và chuỗi cửa hàng tạp hóa Freshippo.
Alibaba cũng sẽ tìm kiếm các nguồn vốn bên ngoài cho mảng thương mại quốc tế của mình.
Doanh thu không như kỳ vọng
Trong quý đầu tiên của năm nay, Alibaba ghi nhận doanh thu 208,2 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn ước tính 209,2 tỷ nhân dân tệ của giới quan sát. Tập đoàn lãi ròng 23,5 tỷ nhân dân tệ, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ cách đây một năm.
Với vị thế công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Alibaba được coi là hàn thử biểu cho sức mạnh tiêu dùng của đất nước 1,4 tỷ dân.
Tăng trưởng doanh thu thấp hơn dự báo của Alibaba đã phơi bày những thách thức của Bắc Kinh trong việc vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm theo đuổi các biện pháp chống dịch gắt gao. Cùng với đó là xung đột thương mại và tình trạng bấp bênh của kinh tế toàn cầu.
Sau nhiều năm mạnh tay chấn chỉnh các tập đoàn tư nhân của đất nước, đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra bất cứ chính sách hỗ trợ nổi bật nào như kỳ vọng.
Các nhà đầu tư đã đặt cược vào sự phục hồi của chi tiêu tiêu dùng và lĩnh vực công nghệ sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ những hạn chế chống dịch gắt gao. Nhưng giới quan sát chỉ ra các hoạt động thương mại đang chậm lại. Nhiều dấu hiệu khác cũng cho thấy đà phục hồi đã mất đi nhiệt lượng.
Trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, tổng chi tiêu của người dân vẫn thấp so với số lượt đặt phòng.
Hy vọng từ việc chia tách
Một số nhà đầu tư hy vọng rằng các hoạt động riêng lẻ của một loạt công ty con thuộc Alibaba có thể thu hút sự chú ý của thị trường, từ đó kéo cổ phiếu tập đoàn lên cao.
Hồi tháng 3, Alibaba đã đưa ra một quyết định chưa từng có. Đó là chia tách đế chế của mình thành 6 công ty con, hoạt động từ lĩnh vực dịch vụ đám mây, thương mại quốc tế đến logistics.
Mỗi công ty - ngoại trừ Taobao Tmall Commerce Group - đều có thể tìm cách niêm yết và huy động vốn.
Bất chấp tình trạng bất ổn nói chung, thương mại trực tuyến vẫn có dấu hiệu đi lên. Tăng trưởng GMV (tổng giá trị hàng hóa) trong ngành TMĐT (thương mại điện tử) của Trung Quốc đã tăng tốc lên 11% trong tháng 3, sau khi rơi xuống 5% trong 2 tháng đầu năm.
Tuần trước, JD.com cho biết tăng trưởng sản lượng trong quý II cao hơn quý đầu năm. Tuyên bố đã thúc đẩy cổ phiếu của tập đoàn. Tencent Holdings cũng vừa ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh nhất kể từ năm 2021.
Đế chế của tỷ phú Jack Ma chia tách thành 6 công ty nhỏ. Ảnh: Reuters. |
Hiện tại, Alibaba đang đẩy mạnh cắt giảm chi phí để tăng biên lợi nhuận nhằm bù đắp cho tăng trưởng doanh thu yếu ớt. Đó là sự thay đổi lớn đối với đế chế thương mại điện tử từng chi tiền mạnh tay để giành giật thị phần.
Cuộc đàn áp đối với lĩnh vực thương mại điện tử của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã buộc Alibaba phải thay đổi mô hình kinh doanh. Trước đó, mô hình này bị cho là có xu hướng độc quyền và triệt tiêu tính cạnh tranh trong ngành.
Việc Alibaba tái cấu trúc có thể mang tới một số đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).
Với Alibaba, việc thúc đẩy lợi nhuận đang trở nên cấp bách do sự cạnh tranh khốc liệt tại quê nhà. Còn ở nước ngoài, tham vọng mở rộng toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng đã nguội lạnh.
Alibaba đã bán hết số cổ phần cuối cùng tại gã khổng lồ fintech Ấn Độ Paytm trong tháng này, đẩy nhanh việc rút vốn khỏi thị trường Internet và di động đang phát triển nhanh nhất thế giới.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.