Theo Nikkei Asian Review, tập đoàn Alibaba mới đây đầu tư thêm 912,5 triệu USD vào Lazada. Tháng 5 trước đó, Alibaba từng bơm 378,25 triệu USD cho nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Đông Nam Á.
Tổng cộng, Lazada đã nhận được 1,3 tỷ USD kể từ đầu năm. Sau khi hoãn các cuộc đàm phán với giới đầu tư vì những bất động liên quan đến định giá doanh nghiệp, Alibaba đã tìm cách huy động ít nhất 1 tỷ USD cho Lazada. Bloomberg cho biết khoản đầu tư được coi là tiền thân của một spinoff và đợt IPO của Lazada.
Alibaba có nhiều tham vọng ở Đông Nam Á. Năm ngoái, tập đoàn Trung Quốc đặt mục tiêu dài hạn nâng tổng giá trị hàng hóa lên 100 tỷ USD và nâng con số người dùng trên Lazada lên 300 triệu người.
Bên cạnh đó, Alibaba có kế hoạch đưa công ty có trụ sở tại Singapore đến các thị trường mới như châu Âu.
Tại Việt Nam, Lazada là nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập nhiều thứ 2. Ảnh: Lazada. |
Tại Trung Quốc, Alibaba liên tục đối mặt áp lực từ chính sách siết chặt công ty công nghệ của chính phủ. Bên cạnh đó, các đợt phong tỏa vì Covid-19 khiến lĩnh vực tiêu dùng dần bão hòa và tăng trưởng chậm lại.
Đầu tháng này, Alibaba công bố doanh thu 205,55 tỷ nhân dân tệ, tương đương 31 tỷ USD, trong quý II. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử doanh thu công ty đi ngang so với năm ngoái.
Sự biến động cũng dẫn đến một số thay đổi trong bộ máy quản lý của Lazada. Tháng 6, ông James Dong thay thế Chun Li và trở thành người thứ 5 đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành. Trước đó, ông Dong là Giám đốc điều hành Lazada Thái Lan và Việt Nam.
Bên cạnh một số đối thủ lâu đời như Shopee của Sea Group hay Tokopedia của Indonesia, Lazada còn phải cạnh tranh với mạng thương mại điện tử của TikTok. Từ giữa năm nay, nền tảng quay video bắt đầu triển khai mô hình bán hàng như một sàn thương mại điện tử tại nhiều thị trường như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines.