Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Aleppo chưa đủ khổ sao?

Nỗi đau tại Aleppo, Syria nhân lên gấp bội khi thảm họa thiên nhiên chồng chất hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài 4 năm trước đó.

Trong nhiều năm, người dân Aleppo phải hứng chịu gánh nặng của chiến tranh, khi thành phố từng là lớn nhất và quốc tế nhất Syria là một trong những khu vực giao tranh khốc liệt nhất. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể giúp họ chuẩn bị trước cho sự tàn phá của trận động đất ngày 6/2, theo AP.

Giao tranh tại Aleppo phần lớn đã dừng lại vào năm 2016. Dù vậy, chỉ rất ít tòa nhà bị hư hại hoặc phá hủy trong cuộc chiến được xây dựng lại. Người dân nơi đây cũng phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế của Syria.

Giá lương thực tăng vọt và người dân rơi vào cảnh nghèo đói. Trận động đất là cú sốc quá lớn đối với họ.

dong dat Syria anh 1

Lực lượng an ninh Syria nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong đống đổ nát. Ảnh: AP.

Nỗi thống khổ giữa mùa đông

Hovig Shehrian nói rằng trong giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc chiến ở Aleppo, vào năm 2014, anh và cha mẹ đã phải rời khỏi ngôi nhà nằm giữa tiền tuyến vì pháo kích và bắn tỉa. Trong nhiều năm, họ di chuyển từ khu phố này sang khu phố khác để tránh giao tranh.

“Đó là một phần cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi nghe thấy tiếng động, chúng tôi rời đi. Chúng tôi biết phải gọi cho ai và phải làm gì”, chàng trai 24 tuổi nói. “Nhưng chúng tôi không biết phải làm gì với trận động đất. Tôi sợ rằng chúng tôi sẽ chết”.

Trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra trước bình minh hôm 6/2, tâm chấn cách thành phố Aleppo khoảng 112 km. Rung chuyển dữ dội khiến người dân tỉnh giấc và tháo chạy ra đường, giữa cơn mưa mùa đông lạnh giá.

Hàng chục tòa nhà trên khắp thành phố đã sụp đổ. Hơn 360 người đã thiệt mạng trong thành phố và hàng trăm người khác bị thương.

dong dat Syria anh 2

Các thành viên của đội cứu hộ Algeria và quân đội Syria đưa một thi thể khỏi đống đổ nát. Ảnh: Reuters.

Ba ngày sau thảm họa, các công nhân vẫn tích cực đào bới đống đổ nát để tìm kiếm nạn nhân. Số người thiệt mạng trong động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt mức 11.200.

Cư dân của những tòa nhà đang đứng vững vẫn sợ quay trở lại. Nhiều người đang trú ẩn trong các trường học. Một tu viện Cơ đốc giáo đã tiếp nhận hơn 800 người, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già.

“Hiện tại chúng tôi không thể ngủ trong ngôi nhà của mình. Một số người phải ngủ trong ôtô”, Imad al-Khal, tổng thư ký các dòng tu Cơ đốc giáo ở Aleppo, người đang giúp tổ chức các nơi trú ẩn, cho biết.

Đối với nhiều người, trận động đất là một hình thức khủng bố mới, đẩy họ vào một cú sốc ngay sau những gì phải chịu đựng trong chiến tranh.

Sự mệt mỏi kéo dài

Cuộc chiến tại Aleppo kéo dài và đầy bạo lực. Phiến quân đã chiếm được phía đông thành phố vào năm 2012, ngay sau khi nội chiến Syria bắt đầu. Trong những năm tiếp theo, lực lượng chính phủ đã chiến đấu để chiếm lấy quyền kiểm soát thành phố.

Các cuộc không kích và pháo kích đã san phẳng toàn bộ thành phố. Ở phía tây do chính phủ kiểm soát, người dân thường xuyên phải đối mặt với hỏa lực súng cối và tên lửa từ lực lượng đối lập.

Cuộc giao tranh cuối cùng kéo dài trong nhiều tháng, kết thúc vào tháng 12/2016 với chiến thắng của quân đội chính phủ. Các nhóm hoạt động ước tính khoảng 31.000 người đã thiệt mạng trong 4 năm giao tranh. Gần như toàn bộ cư dân của khu vực phía đông thành phố phải di dời.

dong dat Syria anh 3

Người dân băng qua đống đổ nát trên khu phố Salaheddine từng do phiến quân nắm giữ ở phía đông Aleppo, ngày 20/1/2017. Ảnh: AP.

Aleppo là biểu tượng chứng minh sự thành công của Tổng thống Bashar Assad trong việc giành lại lãnh thổ từ phe đối lập. Lực lượng này chỉ còn nắm giữ một vùng đất nhỏ ở phía tây bắc, tập trung tại tỉnh Idlib và một phần tỉnh Aleppo, nơi cũng bị tàn phá bởi trận động đất.

Sau một loạt thảm họa, thành phố Aleppo rất khó để hồi phục. Dân số hiện tại của thành phố không quá 4 triệu người, trong khi dân số trước năm 2011 là 4,5 triệu người. Phần lớn khu vực phía đông chỉ còn là đống đổ nát và trống rỗng.

Các tòa nhà bị hư hại trong chiến tranh hoặc chất lượng xây dựng kém thường xuyên sụp đổ. Một tòa nhà sập vào ngày 22/1 khiến 16 người thiệt mạng. Một vụ việc khác vào tháng 9/2022 cướp đi sinh mạng của 11 người, bao gồm 3 trẻ em.

Aleppo từng là thủ phủ công nghiệp của Syria, Armenak Tokmajyan, thành viên của Carnegie Trung Đông, người gốc thành phố, chia sẻ. Nhưng hiện tại, ông cho biết Aleppo bị gạt ra ngoài lề về kinh tế. Cơ sở hạ tầng cơ bản của khí đốt và điện bị thiếu hụt. Dân số - vốn là hy vọng tái thiết sau khi chiến sự kết thúc, phải chứng kiến mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Giờ đây, họ tiếp tục phải trải qua nỗi đau về cả thể chất lẫn tinh thần từ trận động đất.

“Nó khiến họ tự hỏi liệu họ có thực sự xứng đáng với số phận này hay không? Tôi nghĩ rằng nỗi đau là rất lớn. Sẽ mất một thời gian đến khi họ chấp nhận sự thật cay đắng này sau hơn 10 năm chiến tranh”, ông Tokmajyan nói.

Nỗi sợ hãi của người ở lại

Rodin Allouch, một người gốc Aleppo, đã đưa tin về cuộc chiến cho một đài truyền hình Syria.

“Tôi từng ở tiền tuyến, quay video và đưa tin tức nóng hổi. Tôi chưa bao giờ sợ hãi. Tên lửa và đạn pháo rơi xuống, nhưng tinh thần của tôi rất cao”, anh nhớ lại.

“Nhưng tôi không biết chính xác trận động đất đã làm gì với chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy mình sẽ lên gặp Thượng Đế. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy sợ hãi”, anh nói.

Trong chiến tranh, anh phải rời khỏi khu phố phía đông thành phố và thuê một căn hộ ở phía tây. Trận động đất khiến anh phải di chuyển một lần nữa.

Khi tòa nhà rung chuyển, anh cùng vợ và 4 con chạy đến một khu vườn gần đó. Allouch cho biết anh sẽ không trở lại cho đến khi tòa nhà được kiểm tra và sửa chữa. Nó vẫn đứng vững nhưng có nhiều vết nứt. Gia đình anh sẽ ở tạm trong tầng trệt của một cửa hàng gần đó.

dong dat Syria anh 4

Ảnh trên cao chụp lại khu mộ tập thể của những nạn nhân vụ động đất tại Jandaris, phía bắc Aleppo. Ảnh: Reuters.

“Sẽ an toàn hơn nếu ở dưới tầng trệt khi có động đất. Cuộc sống thật khốn khổ”, anh nói và phàn nàn rằng không có nhiên liệu để sưởi ấm.

Nhiều người khác ở Aleppo cũng phải di chuyển nhiều hơn một lần. Ông Farouk al-Abdullah rời khỏi trang trại của mình ở phía nam thành phố Aleppo trong chiến tranh. Ông và gia đình trú tại Jenderis, một thị trấn do phe đối lập kiểm soát ở tỉnh Aleppo.

Tòa nhà của họ đã sụp đổ hoàn toàn trong trận động đất, nhưng may mắn cả gia đình đã trốn thoát kịp thời.

Ông chứng kiến sự tàn phá của trận động đất ở khắp mọi nơi. Khi thấy đội cứu hộ kéo các thi thể ra khỏi đống đổ nát, ông mô tả “khủng khiếp hơn nhiều so với chiến tranh”.

Sự tàn phá của cuộc chiến tại Aleppo ít nhất “là bằng chứng cho thấy chúng tôi không bị đánh bại một cách dễ dàng”, Wissam Zarqa, một người ủng hộ phe đối lập và hiện sống ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết. “Nhưng sự tàn phá của thiên tai là nỗi đau và không có gì khác ngoài nỗi đau”.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…

>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Cảnh đổ nát ở Syria sau trận động đất hủy diệt Công tác tìm kiếm và cứu hộ trong các tòa nhà đổ sập ở Syria vẫn tiếp tục, sau trận động đất hủy diệt ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 khiến hơn 4.300 người thiệt mạng ở hai quốc gia.

Syria lần đầu tiên đề nghị EU cứu trợ

Hai ngày sau trận động đất khiến hơn 12.000 người thiệt mạng, quan chức Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/2 cho biết khối này đã nhận được yêu cầu cứu trợ đầu tiên từ chính phủ Syria.

Tiếng kêu cứu tắt dần sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để giải cứu số lượng lớn nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2.

Tuấn Đạt

Theo AP

Bạn có thể quan tâm