Sinh ra và lớn lên tại Al-Mudhaibi, ban đầu, cậu trai trẻ Ali Al Habsi được gia đình hướng vào làm lính cứu hoả. Danh thủ này nghe lời gia đình nhưng có lẽ, định mệnh chọn Al Habsi cho trái bóng tròn. Năm 16 tuổi, câu lạc bộ quê nhà Al-Mudhaibi mới “tuyển mộ” thủ thành sinh năm 1981 này. Bên lề sân cỏ, Al Habsi vẫn có mộng làm người đi dập những đám cháy.
Al Habsi cao tới 1,94 m nên đủ điều kiện chơi cho nhiều CLB lớn ở châu Âu. Ảnh: Goal. |
Lính cứu hỏa và hành trình sang châu Âu
Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của thủ thành này là việc được triệu tập lên tuyển Oman vào năm 2001. Khi đó, HLV thủ môn của đội bóng này là cựu danh thủ John Burridge, người từng khoác áo nhiều đội bóng danh tiếng như Newcatsle United, Crystal Palace, Wolverhampton hay Manchester City.
Dù quãng thời gian làm việc không quá dài nhưng như thế là đủ để Burridge, một người có nhiều mối quan hệ ở Anh tưởng tượng ra con đường cho học trò. Al Habsi là người châu Á nhưng có chiều cao lên đến 1m94, dư điều kiện đứng trong khung gỗ ở châu Âu, nhưng vấn đề chính là giấy phép lao động tại Anh không hề dễ dàng.
Tuy vậy, chính Al Habsi cũng tin rằng mình thực sự cần những bước đi an toàn hơn. Anh chọn đến Lyn Oslo tại Nauy, thay vì đi thẳng đến Anh theo người thầy cũ. Chỉ đúng 1 năm sau ngày ra mắt, Al Habsi có được danh hiệu thủ môn xuất sắc năm tại quốc gia này. Đây là tấm vé thông hành quan trọng đưa Al Habsi tới Premier League trong màu áo Bolton Wanderers.
Nhưng quả thực bóng đá Anh khi đó vẫn quá khắc nghiệt với các cầu thủ châu Á nói chung và Tây Á nói riêng. Al Habsi chỉ có 3 lần được đăng kí thi đấu tại Premier League, không ra sân phút nào trong mùa đầu tiên. Mùa thứ 2, anh được đăng kí thi đấu 12 lần và vẫn chỉ là…”mài đũng quần” trên băng ghế dự bị.
Mùa giải 2007, khi thủ thành kì cựu Jaaskelainen gặp chấn thương, HLV Sam Allardyce mới nhớ đến cậu học trò cao kều. Al Habsi được tin tưởng trong khoảng 10 trận đấu, để thủng lưới 11 bàn. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, Al Habsi khá “xui xẻo” khi đụng 3 trong số 4 đội ở nhóm Big Four khi đó là Chelsea, Arsenal và Manchester United.
2 năm tiếp theo, Al Habsi vẫn kiên nhẫn ở lại Bolton nhưng chỉ là thủ môn số 2, anh quyết định chuyển sang Wigan, đây có lẽ cũng là quyết định sáng suốt nhất trong sự nghiệp của ngôi sao Oman. Al Habsi là sự lựa chọn số 1 của đội bóng ngoại ô thành phố Manchester, thậm chí riêng mùa 2011, anh ra sân đủ 38/38 trận tại Premier League.
Sự nghiệp Al Habsi kéo dài khá lâu ở nước Anh. Ảnh: The FA. |
Niềm tự hào Tây Á và những năm tháng độc hành
Ali Al Habsi không phải cầu thủ Tây Á đầu tiên được kí hợp đồng với một đội bóng trong kỉ nguyên Premier League. Năm 2000, tuyển thủ Iran Karim Bagheri bất ngờ gia nhập Charlton nhưng không để lại quá nhiều dấu ấn.
Trong giai đoạn này, châu Á còn có những Li Tie, Li Weifeng của Trung Quốc gia nhập Everton, Lee Young-pyo, Lee Chung-yong tại Tottenham và Bolton hay tuyển thủ Pakistan Zesh Rehman chơi cho Fulham. Thành công nhất chắc chắn phải là Park Ji-sung tại Manchester United.
Ali Al Habsi dù không thu hút được quá nhiều sự chú ý, nhưng đặc tính bền bì của vị trí thủ môn giúp anh duy trì sự nghiệp kéo dài rất nhiều năm tại Anh. Nói chẳng quá rằng, Al Habsi để lại ấn tượng mạnh mẽ với người hâm mộ châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng nhờ cả tài năng lẫn cái tên “đặc trưng” hồi giáo và khó nhầm lẫn của mình.
Kể từ ngày chính thức trở thành tuyển thủ quốc gia vào năm 2001, Ali Al Habsi có 135 lần ra sân cho Oman. Anh được xem là huyền thoại và là người mang hình ảnh bóng đá Oman đến với thế giới. Al Habsi để lại dấu ấn mạnh mẽ trong nhiều giải đấu quốc tế, nhưng mốc son huy hoàng nhất với cá nhân “người gác đền” này chính là Cúp vùng vịnh 2009.
Đây là giải đấu mà Oman lên ngôi vô địch hết sức thuyết phục khi đánh bại Saudi Arabia trên chấm luân lưu. Tuyển Oman với Al Habsi trong khung gỗ thậm chí còn không thủng lưới bàn nào ở giải đấu năm ấy.
Trong hành trình đến với vòng loại thứ 3 World Cup 2022, Al Habsi vẫn được HLV Ivankovic tin tưởng trong 2 trận đấu gặp Afghanistan và Bangladesh, đó đều là những chiến thắng dành cho Oman. Nhưng người hâm mộ Việt Nam sẽ không có dịp chứng kiến thủ thành danh tiếng này đặt chân lên thảm cỏ Mỹ Đình.
Thật đáng tiếc khi tháng 1/2020, Al Habsi chính thức tuyên bố giã từ sự nghiệp quốc tế và đến khi mùa giải hạng Nhất Anh cùng năm kết thúc, anh cũng chia tay nghiệp “quần đùi áo số” cùng West Brom.
Tuyển Oman, với với vị trí 80 trên bảng xếp hạng FIFA đương nhiên được đánh giá cao hơn tuyển Việt Nam. Nhưng họ vẫn sẽ là một ẩn số lớn bởi khó ai kiểm chứng hết được tiềm năng của các cầu thủ đến từ vùng vịnh, mà chính Ali Al Habsi là một ví dụ tiêu biểu.