Những chiếc máy bay cỡ lớn có vẻ như đang dần trở nên “lỗi mốt”. Thế nhưng, chiếc Boeing 747 vẫn giữ được vị thế của mình sau 50 năm. Trong khi ấy, A380, với tuổi đời non trẻ hơn chưa bao giờ thực sự có cơ hội để chứng tỏ giá trị của mình.
Dây chuyền sản xuất A380 được thiết kế mang tính dài hạn ngay từ ban đầu. Điều này dựa trên việc nhà sản xuất máy bay này cho rằng thị trường hàng không sẽ phát triển với lượng hành khách ngày càng lớn hơn, đặc biệt ở các tuyến bay dài giữa những khu vực phát triển trên toàn thế giới. Thực tế cho thấy dự đoán trên có nhiều phần đúng. Vậy tại sao chiếc Airbus A380 lại không thể hưởng quả ngọt như Boeing 747, Forbes đặt câu hỏi.
Tập trung vào A330 và A350
Ông Carsten Sphor, Giám đốc điều hành của Lufthansa, đã chia sẻ rằng A380 là một chiếc máy bay xuất sắc nhưng không gặp thời.
Một chiếc Airbus A380 thuộc biên chế của Emirates. Ảnh: Emirates. |
“Máy bay Airbus A380 rất thu hút và ở nhiều khía cạnh thì nó tỏ ra nổi trội. Đây là một phát minh công nghệ và kiệt tác đến từ châu Âu”, ông Sphor viết. “Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh máy bay A380 chỉ mang lại lợi nhuận khi được sử dụng tại các đường bay lớn và phổ biến. Chúng tôi vui mừng khi có thể tiếp tục sử dụng Airbus A380. Các khách hàng và phi hành đoàn của chúng tôi đều yêu quý nó”.
Ngoài A380, hãng hàng không Lufthansa cũng vẫn có thể tiếp tục sử dụng những chiếc Boeing 747-8 trong đội bay.
Mặc dù quyết định của Emirate khi ngừng đặt hàng chiếc A380 đã chấm dứt dây chuyền của loại máy bay này, hãng hàng không châu Âu không quá thất vọng khi họ ký đơn hàng đặt mua 40 chiếc máy bay A330-900 và 30 chiếc A350-900, với trị giá lên đến 21,4 tỷ USD.
Những chiếc máy bay A330 sẽ được bàn giao bắt đầu từ năm 2021 và A350 là vào năm 2024. Emirates cũng đã đồng ý tiếp nhận thêm 14 chiếc A380 từ nay đến năm 2021, điều này giúp quá trình đóng cửa dây chuyền A380 của Airbus trở nên bớt đột ngột hơn. Với những chiếc A380 cuối cùng này, hãng Emirates đã nâng tổng số lượng đặt hàng cho loại máy bay này lên con số 123 chiếc và vẫn là khách hàng ủng hộ dòng A380 mạnh mẽ nhất.
“Mặc dù chúng tôi cũng rất thất vọng khi phải từ bỏ các đơn đặt hàng và buồn khi dây truyền không thể được duy trì, chúng tôi chấp nhận thực tế này”, ông Sheikh Ahmed bin Saeed Al Maktoum, Chủ tịch và Tổng giám đốc của tập đoàn hàng không Emirates phát biểu. “Đối với chúng tôi, A380 là một chiếc máy bay tuyệt vời và luôn được các khách hàng cũng như phi hành đoàn yêu thích. Chúng tôi sẽ tiếp tục biên chế dòng máy bay A380 cho đến những năm 2030”.
A380 - “Anh tài” không gặp thời
CEO của Airbus, ông Tom Enders, đã bày tỏ sự tiếc nuối khi A380 là một dòng máy bay tốt nhưng đã không gặp thời. “Đã từng có những nhận định chúng tôi đã cho ra mắt sơm hơn 10 năm, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi rõ ràng đã chậm hơn 10 năm”.
Cũng có thể nói dòng máy bay A380 đã chậm chân 40 năm, hoặc sớm hơn 30 năm bởi tại thời điểm A380 được cho ra mắt năm 2005 thị trường không có nhiều nhu cầu với loại máy bay kích thước lớn. Điều ấy được chứng minh rõ ràng khi dòng máy bay này không thể thu hút nhiều đơn đặt hàng lớn trong thời gian tồn tại của mình.
Chiếc Boeing 747 đã tồn tại suốt 50 năm qua và vẫn tiếp tục duy trì thị phần đáng kể ở thị trường máy bay cỡ lớn với hơn 1.500 chiếc được sản xuất kể từ 1969, hơn 500 máy bay đang sử dụng và vẫn còn nhiều đơn đặt hàng khác đang chờ đợi mỗi ngày, đặc biệt khi tính đến phiên bản chở hàng của Boeing 747.
Airbus đã bán ra 313 chiếc A380 tính đến tháng 1/2019 và bàn giao 234 chiếc. Nhưng điều tồi tệ hơn là những chiếc máy bay cũ của dòng A380 còn không có người mua và phải rã lấy linh kiện.
Việc dòng A380 ngừng sản xuất sẽ là cơ hội lớn mở ra cho Boeing. Ảnh: Phạm Duy. |
Airbus A380 và Boeing 747 đều có chung điểm yếu là kích cỡ lớn. Những dòng máy bay cỡ nhỏ đang hấp dẫn hơn trong mắt các hãng hàng không vì tính hiệu quả trong vận hành. Những chiếc 747 vẫn nhỏ gọn hơn A380 và có thể đáp ứng các yêu cầu bay đa dạng hơn, phù hợp với nhiều sân bay trên khắp thế giới. Ngay từ đầu Boeing 747 đã được thiết kế để có thể sử dụng làm máy bay vận chuyển hàng sau quá trình chở khách. Loại máy bay này luôn mang ngôn ngữ thiết kế của một chiếc máy bay chở hàng với khoang chứa đồ rất rộng, kể cả trên phiên bản chở khách.
Đây là một khía cạnh quan trọng đối với các hãng hàng không trong quá trình cân nhắc mua máy bay. Khi số lượng hành khách trên mỗi đường bay bị giảm, việc chở hàng sẽ tạo ra sự khác biệt. Dòng A380 được thiết kế ưu việt hơn trong việc chở khách nhưng lại thua thiệt về khả năng chở hàng, với hầu hết không gian chở hàng chỉ đủ cho hành lý của hành khách.
Airbus đã từng ví A380 như một máy bay có kích cỡ lý tưởng cho tương lai. “Với nhiều ghế ngồi hơn trên mỗi chuyến bay, A380 mang đến giải pháp cho vấn đề quá tải. Các hãng hàng không sẽ cần ít chuyến hơn mà vẫn chở nhiều hơn 60% lượng hành khách, biến A380 trở thành giải pháp hoàn hảo cho vấn đề tắc nghẽn sân bay, tối ưu hoá đội bay và phát triển lượng hành khách”, Airbus viết về dòng A380 trên trang chủ.
Đồng quan điểm trên, IATA dự đoán số lượng hành khách toàn cầu sẽ đạt 8,2 tỷ vào năm 2037. Một vài tuyến bay có thể bị quá tải. Trung tâm điều khiển không lưu sẽ không thể theo kịp tần xuất cất và hạ cánh cao cũng như lượng lớn máy bay cỡ nhỏ trên bầu trời. Những dòng máy bay cỡ lớn có thể là một giải pháp phù hợp, nhưng khi đó dòng A380 đã không còn.
Với việc làm tốt vai trò chở hàng và chuyên cơ, Boeing 747-8 đã tiếp tục được sản xuất và tồn tại qua giai đoạn này cho đến khi dịch vụ chở khách sôi động hơn ở tương lai.
Nhưng kể cả khi kỷ nguyên của những chiếc máy bay cỡ lớn đi đến hồi kết, chiếc Boeing 777X thế hệ mới hứa hẹn sẽ có thể lấp được chỗ trống trên thị trường. Phía Airbus cũng sở hữu những sản phẩm đủ sức cạnh tranh và đã chứng minh được giá trị của mình trên thị trường là A330neo và A350. Trong khi ấy, thành tựu của Boeing là chế tạo các máy bay kích cỡ phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong hàng chục năm vẫn giữ nguyên giá trị.
Bên cạnh đó, các hãng bay cũng đang rất cần một dòng máy bay mới có thể đáp ứng những nhu cầu đặc thù để phù hợp với xu thế của thị trường hàng không. Boeing đang quyết tâm để nắm lấy cơ hội này và mạo hiểm với dự án 797 NMA (new midsized aircraft - máy bay cỡ trung mới). Về phần mình, Airbus đã nếm đủ mạo hiểm và sẽ không có mẫu máy bay mới nào của hãng ra mắt trong tương lai gần, ít nhất là ở phân khúc này.
Nếu có một thời điểm tốt để Boeing tăng tốc, đó có lẽ chính là lúc này.