Câu 1: Ai là tác giả của bài thơ Ngọa Long cương vãn?
Đào Duy Từ (1572-1634) được xem là công thần số một của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong. Ông vốn người Thanh Hóa, không được chính quyền Đàng Ngoài tin dùng, phải vào Bình Định đi chăn trâu. Thời gian đầu mới vào Nam, ông đã viết bài thơ Ngọa Long cương vãn, ý so sánh mình với Khổng Minh, Gia Cát Lượng. Sau này, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đọc được bài thơ, biết ông là người tài giỏi, mưu lược nên đã thu nạp, tin dùng. Nhờ có Đào Duy Từ, chính quyền Đàng Trong ngày càng hùng mạnh. Ảnh: Kienthuc.net. |
Câu 2: Đào Duy Từ từng làm bài thơ bí hiểm bỏ vào chiếc mâm 2 đáy để gửi ai?
Năm 1630, Đào Duy Từ cùng chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên ở Đàng Trong cho triều thần gửi tới chúa Trịnh bài thơ có nội dung bí hiểm, bỏ trong chiếc mâm 2 đáy gửi tới chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nhận được bài thơ, chúa Trịnh không hiểu được nội dung, hỏi các quan đại thần cũng không ai biết. Chỉ đến khi sứ giả Đàng Trong rời khỏi Thăng Long, chúa cho gọi Phùng Khắc Khoan tới, Trạng Bùng mới giải được bài thơ này. Qua bài thơ gửi vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Đào Duy Từ và chính quyền chúa Nguyễn Đàng Trong tỏ rõ quyết tâm không chịu thuần phục. Chúa Nguyễn muốn tự mình lập chính quyền độc lập ở Đàng Trong. Đây cũng chính là sự kiện mở đầu cho cuộc chiến tranh giữa 2 nhà Trịnh - Nguyễn kéo dài hơn 70 năm sau đó, thường được sử sách gọi là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ảnh: Báo Bình Phước. |
Câu 3: Đào Duy Từ sinh ra trong gia đình làm nghề gì?
Đào Duy Từ quê ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Theo quy định thời đó, con người làm nghề ca xướng không được quyền thi cử. Tiếc cho tài học của con, mẹ ông đã thu gom vay mượn tiền bạc đến đút lót cho viên xã trưởng, nhờ đổi họ Đào thành họ Vũ của mẹ để Duy Từ được đi thi. Việc bị bại lộ, ông bị lột hết áo mũ, hủy kết quả thi và đuổi về quê, phải vào Đàng Trong làm nghề chăn trâu. Ảnh: Wikipedia. |
Câu 4: Bố của Đào Duy Từ từng bị phạt nặng vì…?
Theo sách Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, bố ông là Đào Tá Hán, trước làm lính cấm vệ trong triều Lê - Trịnh. Một hôm, nhân lúc nổi hứng, ông sáng tác bài thơ ca ngợi chúa Trịnh: Trang quốc sử ai bằng Trịnh Kiểm / Tỏ thần uy đánh chiếm hai châu / Thẳng đường rong ruổi vó câu / Phù Lê, diệt Mạc trước sau một lời... Đó là bài thơ hay, ca ngợi công lao của Trịnh Kiểm - người mở đầu cho cơ đồ của nhà Trịnh. Nhưng đáng tiếc, bài thơ bị phạm “húy”, nhắc đến "tên cúng cơm” của vua - chúa, Đào Tá Hán bị quy phạm thượng. Ông bị phạt đánh đòn 20 roi rồi bị đuổi về nhà làm dân thường. Sau khi trở về, nhờ có tài đàn hát, Đào Tá Hán đi theo gánh hát để kiếm sống. Với tài năng sẵn có, không lâu sau, ông trở thành kép hát giỏi, nổi tiếng khắp vùng. Ảnh: Báo Bình Phước. |
Câu 5: Cuốn sách về quân sự do Đào Duy Từ viết?
Theo sách Đào Duy Từ - Con người và tác phẩm, ông là soạn giả cuốn Hổ Trướng khu cơ, tài liệu dùng cho các vị chỉ huy quân sự, các vị chủ soái, gồm những chỉ dẫn về binh pháp, trận đồ, cách điều hành, tổ chức quân đội, khí giới. |
Câu 6. Đào Duy Từ được xem là ông tổ của bộ môn nghệ thuật nào?
Đào Duy Từ còn được một số nơi tôn thờ là ông tổ nghệ thuật sân khấu tuồng. Có ý kiến cho rằng ông là người đầu tiên lập ra các đội múa hát, huấn luyện chuyên môn cho các nghệ nhân. Cơ quan phụ trách hát múa chính thức của Đàng Trong đã ra đời dưới thời chúa Sãi do ông sáng lập và phụ trách. Đào Duy Từ cũng là tác giả của nhiều điệu ca, vũ khúc. Ảnh: Báo Nhân dân. |