Sau khi bộ sưu tập chân dung nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 20 do AI phục chế được kỹ sư Phạm Sơn ra mắt, cộng đồng mạng có nhiều ý kiến tranh luận.
Một số người cho rằng nếu công nghệ AI phát triển được thành các ứng dụng trên điện thoại thông minh, ai cũng có thể tự phục chế ảnh. Những người khác lại cảm thấy rằng các bức ảnh do AI phục chế mất đi các nét của ảnh gốc và không chân thực.
Mặc dù là một công nghệ tiên tiến, AI hiện vẫn còn nhiều điểm yếu cố hữu khó có thể thay thế được công việc của người phục chế ảnh.
AI đã được sử dụng từ trước đó
Nhiều chủ cửa hàng phục chế ảnh cho biết trước khi AI tạo ra loạt tác phẩm thu hút sự quan tâm của dư luận kia, họ đã sử dụng trí tuệ nhân tạo vào trong công việc phục chế.
Theo Phạm Công Anh (một người phục chế ảnh tại TP.HCM), công nghệ AI giúp những người phục chế các đầu việc như làm rõ nét ảnh, loại bỏ các chấm đen, các điểm mờ, hoàn thiện một số mảng màu và xử lý những trường hợp ảnh dễ phục chế.
Một trong những điểm đáng chú ý là chất lượng bề mặt của tác phẩm hay còn gọi là texture là thứ AI có thể hỗ trợ người chỉnh ảnh khá nhiều. Chúng có thể làm mịn, căng, bóng cho da mặt. Hoặc đối với quần áo, trí tuệ nhân tạo có thể làm rõ hơn chất liệu của vải tạo cảm giác sống động cho ảnh.
"AI đã giúp mình rất nhiều trong công việc phục chế ảnh. Đối với các trường hợp còn rõ nét, AI có thể quét được chi tiết và phục chế được bức ảnh. Sau đó, mình chỉ mất khoảng 1-2 tiếng để chỉnh sửa thêm là bức ảnh được hoàn thiện. Công việc đã nhanh gọn hơn trước rất nhiều", Phạm Công Anh chia sẻ.
Còn với Đinh Văn Công (một người phục chế ảnh tại Hà Nội), nếu công việc phục chế ảnh trước đó có thể tốn cả ngày thì giờ đây, nhờ AI, công việc có thể hoàn thành trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Công không thấy quá bất ngờ trước bức chân dung nhà thơ, nhà văn được AI phục chế bởi đây đều là những "ca" dễ làm.
"Mình thấy các tác phẩm của AI làm khá đẹp, nhưng nếu có thêm sự hoàn thiện của người thợ phục chế, chất lượng ảnh sẽ còn tốt hơn nữa. Bản chất của AI là sự tổng hợp vận dụng chứ không phải sáng tạo như con người. Vì vậy, AI dù là một công nghệ tiên tiến nhưng cũng chưa thể thay thế được thợ phục chế ảnh", Đinh Văn Công cho biết.
Điểm yếu cố hữu của AI
Đinh Ngọc Toàn, một người thợ ảnh đã làm công việc phục chế được hơn 10 năm tại Hà Nội nhận thấy rằng AI có thể làm mất nét gương mặt nhân vật trong ảnh. Đây được gọi là lỗi phân tích hình gốc. Có những đặc điểm riêng từ gương mặt mỗi người, AI sẽ tự động xóa đi. Do đó, trí tuệ nhân tạo có thể làm một bức ảnh đẹp hơn nhưng không thể làm nó chân thực bằng con người.
"Những phần bóng đổ của AI rất kém, đa phần người phục chế phải tự làm lấy. Mình rất sẵn lòng sử dụng AI nhưng mình sẽ chỉ coi nó như một công cụ hỗ trợ", Đinh Ngọc Toàn chia sẻ.
Trí tuệ nhân tạo thường xử lý theo một khung có sẵn xác định bằng các đặc điểm như giới tính, đường nét có sẵn được tổng hợp từ một kho dữ liệu bởi nhà cung cấp. Do vậy, đối với những trường hợp ảnh gốc mất đến 70% khuôn mặt, buộc phải có sự can thiệp của con người. Những ca khó thường khiến người thợ mất 2-3 ngày để phục chế thành công.
"Nhược điểm của AI là lên màu không thật, đôi lúc phân tích ảnh gốc sai dẫn đến phục chế thành người không giống như ảnh. AI không thể chủ động được bằng con người", Đinh Văn Thi một người giảng dạy về đồ họa tại Hà Nội cho biết.
Cơ chế vận hành cốt lõi của AI là đưa ra các phỏng đoán dựa trên dữ liệu có sẵn, "bộ não" của chúng được tạo nên từ nền tảng dữ liệu lớn. Các nhà phát hành phải mất thời gian để "huấn luyện" cho AI. Từ các điểm dữ liệu riêng lẻ, AI tổng hợp lại và đưa ra phương án khả dĩ nhất. Thế nhưng sáng tạo những sự tìm tòi cá nhân trong một thế giới rộng lớn chứ không phải nhân bản tác phẩm từ kho dữ liệu được lập trình trước đó.
Vì vậy, viễn cảnh AI có thể thay thế toàn bộ con người trong công đoạn phục chế ảnh còn xa vời. Dù vậy, nó vẫn rất có thể rút ngắn nhiều công đoạn khiến tác phẩm được phục chế nhanh hơn, gọn hơn, tiết kiệm sức người. Ở một số nước phát triển, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho phục chế tư liệu đã diễn ra phổ biến. Các nhà cung cấp phát triển thành nhiều tiện ích, plug-in dễ dàng sử dụng chỉ với vài nút bấm. Người dùng phổ thông cũng có thể tận dụng công nghệ để phục chế những bức ảnh mình mong muốn.
Để AI viết bài phỏng vấn, một tổng biên tập Đức bị sa thải
Tổng biên tập của tạp chí Die Aktuelle đã xuất bản một bài phỏng vấn Michael Schumacher giả do trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện.
Chuyên gia bàn về hạn chế của AI
Trong sách "More than a Glitch", tác giả Meredith Broussard cho rằng AI khi làm việc với các vấn đề xã hội sâu sắc đã cho ra những kết quả thảm hại.
Những gia tộc nắm giữ quyền lực tài chính
Trong 200 năm qua, những gia tộc tài chính đã hô mưa gọi gió trên vũ đài thế giới, hình thành mạng lưới quan hệ phức tạp và hoành tráng của xã hội phương Tây.