Những năm gần đây, danh tiếng của Facebook bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hàng loạt vụ bê bối. Cuối năm 2021, Facebook đổi cấu trúc, thành lập công ty mẹ Meta để "hướng tới chiến lược kinh doanh mới", tập trung vào vũ trụ ảo. Tuy nhiên, nhiều người nhận định đây là một nỗ lực nhằm tránh xa tai tiếng.
Theo Makeuseof, việc đổi thương hiệu đặt ra một số câu hỏi thú vị. Chẳng hạn như ai đang sở hữu Facebook?
Facebook đổi tên thành Meta nhưng bản chất không thay đổi. Ảnh: Makeuseof. |
Ai đang sở hữu Facebook?
Vào năm 2012, Facebook nộp đơn đăng ký trở thành một công ty đại chúng. Trong đợt phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO), mỗi cổ phiếu của Facebook được định giá 38 USD, giúp họ huy động thành công 16 tỷ USD trên thị trường chứng khoán.
Trong tuyên bố công bố việc đổi thương hiệu thành Meta, công ty cho biết cấu trúc của Facebook sẽ vẫn giữ nguyên. Điều này có nghĩa là các bên sở hữu cổ phần lớn trong Facebook sẽ chịu trách nhiệm về Meta. Như vậy, ai nắm giữ vai trò kiểm soát Facebook trước đây cũng tiếp tục điều hành tập đoàn mới.
Cơ cấu cổ phiếu của Facebook khác với các công ty đại chúng khác, vốn gắn một phiếu bầu cho một cổ phiếu. Facebook đặc biệt ở chỗ họ có cấu trúc cổ phiếu "lớp kép". Cổ phiếu Facebook được chia thành 2 loại, cổ phiếu "loại A" và "loại B".
Zuckerberg vẫn nắm giữ quyền lực tuyệt đối tại Meta. Ảnh: Getty Images. |
Cổ phiếu loại A là loại mà các nhà đầu tư bình thường có thể mua trên thị trường chứng khoán, đi kèm với một phiếu bầu cho mỗi cổ phiếu. Cổ phiếu loại B, vốn chủ yếu thuộc sở hữu của Mark Zuckerberg và một nhóm nhỏ nhân vật cấp cao, mỗi cổ phiếu tương ứng 10 phiếu bầu.
Các quỹ tương hỗ và các nhà đầu tư lớn khác sở hữu một lượng đáng kể cổ phiếu Facebook.
Theo CNN Business, các quỹ tương hỗ hiện nắm khoảng 41% cổ phiếu được giao dịch công khai của Facebook. Dẫn đầu là Vanguard Group và Fidelity Management. Các cổ đông cá nhân bên ngoài sở hữu chưa đến 2% tổng số cổ phần Facebook.
Trong khi đó, Bloomberg cho biết Zuckerberg sở hữu khoảng 13% cổ phiếu Meta. Mặc dù khối lượng tương đối thấp, nó mang đến cho ông ta quyền biểu quyết đa số cần thiết.
Tại sao Facebook đổi thương hiệu thành Meta?
Mark Zuckerberg nằm trong nhóm những sinh viên Đại học Harvard sáng lập Facebook vào năm 2004, cùng Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes.
Sau hàng loạt vụ bê bối gần đây, Facebook cố gắng xóa sạch mọi thứ bằng cách tạo ra một thương hiệu mới. Từ tháng 10/2021, họ cơ cấu lại và lập ra tập đoàn mẹ Meta, chịu trách nhiệm quản lý Facebook, Instagram, WhatsApp và các sản phẩm khác.
Theo công bố của họ, việc đổi thương hiệu Facebook diễn ra bởi lĩnh vực hoạt động bắt đầu vượt ra ngoài ranh giới mạng xã hội.
Với định hướng vào lĩnh vực thực tế ảo, khai sinh Metaverse, công ty cho rằng thương hiệu Meta phù hợp hơn ở tương lai. Bên trong Metaverse, ngay cả người dùng không có tài khoản Facebook cũng có thể được cấp quyền truy cập vào các sản phẩm và tương tác ảo với những người khác.
Với cơ cấu của Meta hiện nay, Mark Zuckerberg vẫn nắm vai trò lớn trong việc đưa ra những quyết định. Ảnh: Reuters. |
Song song đó, các mạng xã hội do tập đoàn này vận hành, gồm Facebook, WhatsApp và Instagram vẫn giữ nguyên tên gọi và cách thức hoạt động cơ bản từ trước. Giờ đây, tất cả nằm dưới sự kiểm soát của công ty mẹ Meta.
Zuckerberg vẫn thật sự kiểm soát Meta
Cơ cấu quản lý của Facebook, hay Meta như tên gọi hiện tại, vẫn không thay đổi bất chấp việc khai sinh thương hiệu mới. Zuckerberg, với phần lớn cổ phần loại B, vẫn nắm trong tay quyền định đoạt tại Facebook.
Zuckerberg sẽ tiếp tục nắm quyền điều hành Facebook cho đến khi ông ta bán cổ phiếu của mình hoặc quyền lực của cổ phiếu loại B bị suy giảm. Về cơ bản, từ Facebook sang Meta là sự thay đổi về tên gọi nhưng bản chất vẫn như cũ.