Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai sẽ gánh chi phí giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên?

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không chỉ là quá trình dài hạn mà còn vô cùng tốn kém. Dù hứa hẹn viện trợ kinh tế, ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ không “tiêu tốn quá nhiều tiền".

Cuộc thượng đỉnh lịch sử sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un được kỳ vọng sẽ đưa ra lộ trình cụ thể cho quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chi phí của quá trình này cũng như quốc gia nào sẽ đứng ra chi trả vẫn chưa được nhắc tới.

Theo Korea Herald, báo cáo của công ty đầu tư Anh quốc Eurizon SLJ Capital cho biết sẽ tốn khoảng 2 nghìn tỷ USD để giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân Triều Tiên trong thời gian trải dài 10 năm. So với chi phí hủy bỏ hạt nhân Ukraine, quốc gia từng sở hữu vũ khí hạt nhân chỉ sau Nga và Mỹ, con số này tốn kém gấp nhiều lần.

chi phi giai tru hat nhan Trieu Tien anh 1
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkuksong của Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Trong thập niên 1990, Mỹ hỗ trợ 175 triệu USD giúp Ukraine phá bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân. Tại thời điểm đó, Ukraine có hơn 1.800 đầu đạn hạt nhân được sản xuất trước khi Liên Xô sụp đổ. Cộng đồng quốc tế ước tính phí tổn tổng cộng của quá trình này vào khoảng 460 triệu USD.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây của ông Kwon Hyuk Chul, giáo sư Đại học Kookmin, riêng chi phí trực tiếp phá hủy vũ khí hạt nhân và vô hiệu hóa các trung tâm nghiên cứu đã là 5 tỷ USD. Các chi phí gián tiếp khác như hỗ trợ kinh tế có thể khiến tổng tổn thất tài chính lên tới ít nhất 20 tỷ USD.

Phí tổn của giải trừ hạt nhân chưa chấm dứt ở việc phá hủy toàn bộ vũ khí, trung tâm nghiên cứu hay các cơ sở sản xuất. “Chúng ta đang đề cập đến hàng chục bãi thử, hàng trăm tòa nhà và hàng nghìn con người”, ông Siegfried S. Hecker, cố vấn hàng đầu của chính phủ Mỹ trong vấn đề vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh mức độ phức tạp. 

Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In không chỉ kỳ vọng vào quá trình phi hạt nhân hóa mà xa hơn, là thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng đề nghị viện trợ kinh tế cũng như đưa doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Triều Tiên, Tổng thống Trump lưu ý Hàn Quốc là quốc gia nên gánh chịu phần lớn chi phí.

“Không, tôi không nghĩ Mỹ sẽ chi trả. Tôi nghĩ Hàn Quốc mới là nước phải đứng ra nhận trách nhiệm. Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ ra tay giúp đỡ”, ông Trump trả lời câu hỏi về viện trợ tái xây dựng nền kinh tế Triều Tiên.

Tổng thống Trump tiếp tục cho rằng Nhật Bản đồng thời nên gánh vác một phần chi phí viện trợ và nhấn mạnh Mỹ sẽ “không tiêu tốn nhiều tiền”.

18 giờ từ tàu hạng sang tới vụ nổ thổi bay bãi thử hạt nhân Đoàn phóng viên quốc tế di chuyển bằng tàu hạng sang và xe bus để tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Bãi thử hạt nhân chính của Triều Tiên bị thổi bay với vụ nổ rung chuyển mặt đất.

Giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể mất 15 năm

Cố vấn hàng đầu của chính phủ Mỹ hoài nghi mục tiêu “phi hạt nhân hóa nhanh chóng” trong vấn đề Triều Tiên khi quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân nước này có thể kéo dài 15 năm.

Trump và Kim Jong Un gặp nhau lúc 9h sáng ngày 12/6

Nhà Trắng thông báo cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra lúc 9h sáng ngày 12/6 tại Singapore.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm