Trao đổi với Zing chiều 3/1, ông Dương Văn Hùng - Thành viên HĐQT độc lập của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), đại diện nhóm ông Nguyễn Công Phú cho biết vài ngày tới sẽ tổ chức một cuộc họp HĐQT để tiến hành việc bàn giao, yêu cầu ông Lê Viết Hải chuyển giao chức vụ Chủ tịch HĐQT cho ông Nguyễn Công Phú theo Nghị quyết 50 và 51 đã công bố ngày 14/12/2022.
Theo ông Hùng, Nghị quyết 53 ngày 31/12/2022 về việc hoãn thi hành các Nghị quyết 50 và 51 do ông Lê Viết Hải đơn phương thực hiện, không đúng Điều lệ công ty, bởi các cuộc họp được tổ chức không có đủ thành viên HĐQT tham dự.
Nguồn cơn mâu thuẫn
Trả lời Zing về lý do dẫn đến những mâu thuẫn hiện tại, ông Hùng khẳng định "không có vấn đề gì".
"Chỉ là ông Hải quay xe. Ông ấy đã tự thay đổi cam kết, chính ông ấy đã bỏ phiếu bầu ông Phú làm chủ tịch HĐQT, có biên bản, nghị quyết, nhưng đến ngày cuối cùng đương nhiệm ông ấy lại làm vậy", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing chiều cùng ngày, ông Lê Viết Hải vẫn một lần nữa khẳng định việc tổ chức cuộc họp HĐQT lần thứ hai và ra Nghị quyết 53 là hoàn toàn đúng luật.
"Chúng tôi có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy không cần thiết phải đôi co với nhau về vấn đề này trên truyền thông. Đây là một tranh chấp về pháp lý, nếu cần hãy để cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý", ông Hải nói.
Trong chia sẻ lần này, ông Hải gọi ông Phú là "một người không biết giữ chữ tín".
"Ông Phú đã bội ước khi không giữ lời hứa đồng thuận với tôi trong việc quản trị tập đoàn ngay sau khi tôi đồng ý bầu ông ấy vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn. Tôi đã chấp thuận điều này với lời hứa của ông ấy là luôn tôn trọng nguyên tắc đồng thuận giữa hai chủ tịch Hội đồng Sáng lập và HĐQT.
Qua nhiều sự việc diễn ra trong lời nói, việc làm cũng như phát ngôn trên truyền thông, tôi thấy rất rõ sự trái ngược giữa lời hứa với thực tế này. Riêng việc phản đối tôi triệu tập cuộc họp cũng đã minh chứng điều đó. Lẽ ra theo lời hứa với tôi, ông không được phép làm như vậy", ông Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Viết Hải (đứng thứ 3 từ trái sang) và ông Nguyễn Công Phú (đứng thứ 4 từ trái sang) cùng 4/8 thành viên còn lại của HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC. |
Trước đó, một tâm thư gửi tới các cổ đông HBC sáng 3/1 của ông Hải đã khẳng định các cá nhân, chủ yếu là những người không phải là cổ đông của công ty, đang thực hiện các hành vi sai trái nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của bản thân ông và còn nhằm mục đích chiếm quyền quản lý công ty, không loại trừ có động cơ tiếp tay cho các thế lực muốn thâu tóm công ty.
Liên quan đến phát ngôn này, ông Hùng khẳng định "không có thế lực nào cả".
"Chúng tôi sẽ đứng ra bảo vệ thương hiệu Hòa Bình, chắc chắn chúng tôi sẽ bảo vệ bằng được. Đó là thương hiệu xây dựng của quốc gia, gia đình ông Hải chỉ chiếm 18-20%, còn lại vẫn là của các cổ đông khác cùng đóng góp chứ đâu phải của riêng ai? Hòa Bình là công ty niêm yết mà quản lý như công ty gia đình là không được.
Chúng tôi mong muốn bảo tồn và phát triển thương hiệu này, không muốn bị nước ngoài thâu tóm như tiền lệ một công ty xây dựng khác trước đây, mà sẽ làm lại cho đúng, cho xứng đáng với những gì các tầng lớp kỹ sư, công nhân nhiều năm nay đã tâm huyết gìn giữ, không thể để ông Hải phá nó đi, nợ chồng chất, điều hành yếu kém...", ông Hùng nhấn mạnh.
Hòa Bình khó khăn do đâu?
Trả lời Zing về việc liệu có mâu thuẫn trong nội bộ nhân sự Hòa Bình khi ông Phú làm chủ tịch HĐQT hay không, đại diện nhóm ông Phú khẳng định nhiều lãnh đạo lẫn nhân viên công ty đều mong muốn ông Hải nghỉ ngơi. Lý do là 5 năm trở lại đây, nhà sáng lập này đã đưa ra nhiều quyết sách sai lầm dẫn đến tình hình kinh doanh bê bết.
"Tại rất nhiều công ty, ban điều hành không sở hữu bất kỳ phần trăm cổ phiếu nào, nhưng bằng tài năng họ vẫn đưa công ty đi lên được. Bản thân chúng tôi mong muốn ông Hải nghỉ ngơi, ở Hội đồng Sáng lập để tham vấn ở góc độ nào đó, sau này ông ấy có thay đổi tích cực thì vẫn chào đón ông ấy trở lại. Vấn đề là ông ấy có khắc phục được những hậu quả ông ấy gây ra hay không", ông Hùng nói.
Còn theo ông Lê Viết Hải, theo yêu cầu của nhiều cổ đông cũng như nguyện vọng của cán bộ công nhân viên, ông cần tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ông nhấn mạnh kết quả kinh doanh không tốt thời gian qua là tình trạng chung của ngành xây dựng và bất động sản, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và bất động sản du lịch - lĩnh vực xây dựng chủ yếu của Hoà Bình, chứ không phải do sự quản lý, điều hành yếu kém của cá nhân người lãnh đạo.
Trong khi đó, 35 năm qua, ông đã cùng đội ngũ Hòa Bình từ một văn phòng xây dựng nhỏ vượt qua nhiều thử thách để trở thành nhà thầu xây dựng số một trong nước.
Đồng thời, ông Hải cho biết báo cáo tài chính của Hoà Bình được kiểm toán bởi E&Y, một trong 4 công ty kiểm toán quốc tế lớn nhất, với báo cáo kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ cho thấy báo cáo tài chính của Hoà Bình là hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực báo cáo tài chính do Nhà nước quy định.
"Tôi thừa nhận Hoà Bình không hoàn hảo và thực tế vẫn còn một số mặt hạn chế nhưng cần phải đánh giá và so sánh một doanh nghiệp trong bức tranh tổng thể của toàn cảnh thị trường.
Tôi xin một lần nữa khẳng định những lời lẽ có tính phỉ báng vô căn cứ xuất phát từ ông Nguyễn Công Phú là hoàn toàn trái ngược với thực tế", ông Hải nói.
Tương lai của Xây dựng Hòa Bình chưa rõ ràng khi đang có đến 2 Chủ tịch HĐQT. Ảnh: HBC. |
Trong lúc này, phía ông Phú cũng đã vạch ra một số chiến lược cho tương lai của Hòa Bình sau khi nắm quyền. Đại diện nhóm cho biết sẽ tích cực hợp tác với các dự án đầu tư của nước ngoài. Đồng thời, trong bối cảnh bất động sản nói chung đang khủng hoảng, ban lãnh đạo mới dự kiến mở rộng hoạt động không chỉ trong lĩnh vực dân dụng mà cả xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng công nghiệp để đón làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất sang Việt Nam của các doanh nghiệp quốc tế.
Còn về chiến lược "xuất khẩu xây dựng" như ông Hải từng đặt tham vọng trước đây, ông Hùng cho hay sẽ triển khai trở lại từ khoảng năm 2024 khi kinh tế thế giới dần thoát khỏi chu kỳ suy thoái, bất động sản toàn cầu hồi phục.
"Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung củng cố vị thế của Hòa Bình ở trong nước, xử lý các khủng hoảng nội bộ. Riêng với các khoản nợ khó đòi, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình nhưng còn tùy thuộc vào tình hình thực tế. Chúng tôi có thể sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho một đối tác chiến lược nào đó, nhưng phải lựa chọn đối tác thực sự có mong muốn đồng hành, gây dựng thương hiệu này", ông Hùng nói thêm.
Vị này cũng xác nhận bất kể các mâu thuẫn hiện tại, nhóm vẫn theo chủ trương đề cử ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Lê Viết Hải) đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty trong kỳ Đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Ngày 31/12/2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố Nghị quyết số 53 hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch và xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải.
Theo đó, ông Lê Viết Hải vẫn tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/1. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu và hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51 ban hành ngày 14/12/2022.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin này được công bố rộng rãi trên truyền thông, sáng 1/1, các thành viên HĐQT độc lập gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một thông cáo bác bỏ các động thái nói trên "do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện vào ngày 31/12/2022.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...