Vụ tài xế Đỗ Văn Tiến (41 tuổi, ngụ huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cố đánh lái cứu hai nữ sinh đi xe máy ngã giữa đường ngày 29/3 vẫn khiến dư luận xôn xao. Được dư luận hoan nghênh vì hành động dũng cảm nhưng lái xe này đang hoang mang với khoản đền bù hàng trăm triệu treo lơ lửng trên đầu.
Vụ việc này “nóng” trở lại khi có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề ai chịu trách nhiệm với hai chiếc ôtô mà xe tải của anh Tiến va chạm trong vụ tai nạn?
Xem xét tốc độ xe tải
Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, nhấn mạnh hành động của tài xế Đặng Văn Tiến rất dũng cảm, đáng hoan nghênh. Nếu không xử lý kịp thời, chắc chắn có thương vong.
Ông Thái cho rằng dù biết đánh lái trong trường hợp này gây nguy hiểm cho mình nhưng tài xế vẫn thực hiện. Điều đó thể hiện trách nhiệm, đạo đức của tài xế Tiến. Tuy nhiên, Chánh văn phòng UBATGT quốc gia khẳng định việc xem xét trách nhiệm bồi thường vẫn phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này cần xem xét quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn giữa xe tải do anh Tiến điều khiển với các xe phía trước.
Vị này cho hay trong clip, xe tải do anh Tiến điều khiển chạy với tốc độ khá nhanh. Khi xảy ra sự cố bất ngờ, chiếc xe này có dấu hiệu không làm chủ được tốc độ.
"Việc này cảnh sát giao thông Hải Phòng sẽ làm rõ. Nhưng tôi hy vọng các chủ xe chia sẻ rủi ro cùng anh Tiến, bởi đây là sự việc bất khả kháng”, ông Thái chia sẻ.
Hình ảnh do camera an ninh của nhà dân ghi lại. Ảnh cắt từ clip. |
Anh Nguyễn Khắc Yên, một tài xế xe tải ở Quốc Oai (Hà Nội) đánh giá cao việc tài xế bẻ lái để cứu hai nữ sinh. Trong trường hợp mà anh Tiến đối mặt, tài xế nào sẽ phản xạ để không chèn lên hai nữ sinh. Việc tài xế bẻ lái sang trái hoàn toàn hợp lý.
“Có người nói rằng tay lái tài xế này non, xử lý kém. Hãy đặt vào tình huống bất ngờ trên đường, chắc chắn họ cũng không còn lựa chọn nào khác. Bởi hai nữ sinh ngã ra đường nhanh và quá bất ngờ”, anh Yên nói.
Lái xe tải phải bồi thường?
Dưới góc độ pháp lý, luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, nhìn nhận để quy trách nhiệm bồi thường trong vụ tai nạn trên điều quan trọng nhất là xác minh tài xế Đỗ Văn Tiến có lỗi hay không.
Cụ thể, lỗi ở đây được xác định là xe có chạy quá tốc độ, không giữ đúng khoảng cách với xe phía trước, chạy sai làn, chở quá tải… Việc này, cảnh sát giao thông phải làm rõ và có kết luận.
Theo luật gia Tuyến, trường hợp xác định anh Tiến chạy đúng tốc độ, khoảng cách, đánh lái trong tình thế cấp thiết, tài xế này không phải bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thuộc về cơ quan bảo hiểm và chủ xe.
Luật gia nói thêm việc cơ quan bảo hiểm bồi thường bao nhiêu tùy thuộc vào gói bảo hiểm mà chủ xe mua. Nếu bảo hiểm bồi thường còn thiếu (theo gói bảo hiểm), chủ xe có trách nhiệm chi trả thêm.
Pháp luật quy định trong tình huống bất ngờ, bất khả kháng, tài xế xử lý tốt thì sẽ loại trừ trách nhiệm hình sự. Trong vụ việc này, không có xảy ra trách nhiệm hình sự.
Ông Tuyến nhấn mạnh đây là tình huống bất khả kháng đối với lái xe tải. Việc đánh lái cứu người thể hiện đạo đức, trách nhiệm của lái xe khi tham gia giao thông. Anh Tiến đã chọn phương án giảm thiệt hại về người ở mức thấp nhất.
Anh Tiến, tài xế xe tải đánh lái để tránh hai nữ sinh. Ảnh: Tùng Chi. |
Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư Hà Nội) nói rằng tài xế đã chủ động đánh lái sang trái để tránh gây hậu quả lớn, dẫn đến va chạm với 2 ôtô đỗ bên trái chiều đường và lật xe tải, gây hậu quả nhỏ hơn.
Về trách nhiệm bồi thường trong vụ tai nạn, cơ quan chức năng cần xem xét 2 trường hợp.
Thứ nhất, tài xế Tiến xác định có lỗi như chạy quá tốc độ, không giữ đúng khoảng trên đường. Do xe tải của anh Tiến điều khiển đã mua bảo hiểm nên công ty bảo hiểm trước mắt phải đứng ra bồi thường thiệt hại. Nếu số tiền bồi thường vượt quá gói bảo hiểm, chủ xe phải có trách nhiệm. Sau đó, lái xe có lỗi phải thỏa thuận bồi thường cho chủ xe.
Nếu xác định anh Tiến không có lỗi, lái xe và chủ xe không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Việc này sẽ do bảo hiểm chi trả.
Luật sư Vũ Văn Biên, Công ty TNHH Luật Khoa Tín, cho biết nguyên tắc trong vấn đề bồi thường, nếu xe tải có lỗi hoặc một phần lỗi mà xảy ra tai nạn gây thiệt hại cho người khác thì chủ doanh nghiệp thuê lái xe sẽ phải đứng ra bồi thường trước. Sau đó, chủ doanh nghiệp mới yêu cầu lái xe tức người lao động của mình hoàn trả.
Luật sư Biên cho rằng việc ai có lỗi và vi phạm đến đâu phải có kết luận từ cơ quan chức năng. Trong sự việc này phải xem xét lái xe có vi phạm tốc độ, khoảng cách để xem xét việc ai phải bồi thường. Xem trong clip, nếu xe tải chạy đúng tốc độ, khoảng cách tại sao lại phải đánh lái tới mức như vậy.
Hai nữ sinh vô can
Vừa hoàn hồn sau vụ đánh lái, anh Tiến có quay lại để xem tình hình hai nữ sinh ngã lúc trước. Tuy nhiên, hai em đã rời khỏi khu vực hiện trường, đi đâu không rõ. Nhiều người cho biết sợ bị liên lụy, hai nữ sinh này đã bỏ đi.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến cho biết hai nữ sinh ngã xe máy giữa đường không có lỗi. Việc họ ngã là bất khả kháng và trong tình thế bất ngờ. Vì vậy, họ không có trách nhiệm trong sự việc này.
Tuy nhiên, luật gia chia sẻ nếu hai nữ sinh không đứng dậy bỏ đi mà ở lại hỏi han, cảm ơn người lái xe đã nhanh trí cứu mình sẽ hợp lý hơn. Bởi họ là nguyên nhân khiến lái xe tải phải đánh lái và va chạm với 2 xe khác.
Vụ tai nạn xảy ra ở đường 359C, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Google Maps. |
Sự việc xảy ra vào chiều 29/3, tài xế Đỗ Văn Tiến (41 tuổi, trú Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang lái xe tải đến khu vực cổng trường lái xe Nam Triệu thuộc xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) thì bất phía trước xe máy của 2 nữ sinh ngã và lăn sang làn ôtô.
Anh Tiến bẻ lái, chiếc xe tải tránh được 2 nữ sinh nhưng quệt phải 2 chiếc xe con đang đỗ bên đường. Theo anh Tiến, thiệt hại 2 xe con khoảng hơn 200 triệu đồng.