1. Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là gì?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1 nâng cao, NXB Giáo dục, Vũ Trọng Phụng là cây bút đầy tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền văn xuôi quốc ngữ Việt Nam. Ông còn là một nhà báo có uy tín. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây. Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba "nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta". Ảnh: NXB Văn học. |
2. Tiểu thuyết "Số đỏ" được đăng lần đầu tiên vào năm nào?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXB Giáo dục, tiểu thuyết Số đỏ được ra mắt lần đầu trên Hà Nội báo năm 1936 và in thành sách đầu năm 1938. Đây là cuốn tiểu thuyết hiện thực trào phúng nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng. Ảnh: Đông A. |
3. Vì sao nhân vật của Vũ Trọng Phụng có tên là Xuân Tóc Đỏ?
Trong chương 1 của tiểu thuyết Số đỏ, NXB Văn học, tác giả giới thiệu Xuân là đứa bé mồ côi, lên chín tuổi được ông bác họ nuôi, sau bị bác đánh và đuổi đi. Từ đó, Xuân lấy đầu hè xó chợ làm nhà, lấy sấu ở các phố, lấy cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó bán phá xa, nhật trình, chạy nhạc hiệu rạp hát và vài ba nghề tiểu xảo khác. Ánh nắng mặt trời làm tóc đỏ như tóc Tây nên người ta gọi là Xuân Tóc Đỏ. Ảnh: Như Hoàn. |
4. “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là lời của nhân vật nào trong tiểu thuyết "Số đỏ"?
Trong chương 15 của tiểu thuyết Số đỏ, NXB Văn học, tác giả có nhắc đến chi tiết khi gia đình đang nhốn nháo vì đám tang của cụ cố tổ (cha của cụ cố Hồng), một thằng bồi tiêm đã đếm được 1872 lần cụ cố Hồng gắt: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Ảnh: Thiên Ái. |
5. Vũ Trọng Phụng còn sáng tác những tác phẩm nào?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1, NXB Giáo dục, Vũ Trọng Phụng bắt đầu có những truyện đăng từ 1930. Ngoài tên thật, đôi khi nhà văn còn dùng bút danh Thiên Hư. Đây là cây bút có sức sáng tạo dồi dào. Không đầy 10 năm viết văn, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, tiêu biểu là các phóng sự Cạm bẫy người (1933), Kĩ nghệ lấy Tây (1934), Cơm thầy cơm cô (1936), các tiểu thuyết Giông tố, Vỡ đê (1936), Lấy nhau vì tình (1937), Trúng số độc đắc (1938). Ảnh: Báo Nhân dân. |
6. Vũ Trọng Phụng mất lúc bao nhiêu tuổi?
Theo SGK Ngữ văn 11 tập 1 nâng cao, NXB Giáo dục, Vũ Trọng Phụng mất năm 1939, lúc 27 tuổi. Mặc dù đời sống riêng nghèo túng và bệnh tật, ông vẫn luôn vượt lên hoàn cảnh, thể hiện sức sáng tạo dồi dào. Cuộc đời ngắn ngủi nhưng Vũ Trọng Phụng để lại một sự nghiệp văn học rất phong phú, trong đó tiêu biểu là tiểu thuyết và phóng sự. Ông là một trong những đại biểu xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực 1930-1945. Ảnh: Viện Văn học. |
7. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết "Số đỏ" có tên là gì?
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam, phim Trò đời lấy cốt truyện từ tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, cùng với các truyện ngắn, phóng sự khác của ông như Ánh sáng kinh thành, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô, tái hiện một bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ trước năm 1945. Đây là phim truyền hình dài tập, được thực hiện đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Vũ Trọng Phụng, phát sóng năm 2013 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: Phim Trò đời. |