Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai là người thường kém văn minh trên mạng?

Theo quản trị viên của nhiều nhóm Facebook lớn tại Việt Nam, việc hành xử kém văn minh có thể đến từ bất kỳ ai nếu gặp điều kiện phù hợp.

Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Chỉ số này có nghĩa cộng đồng mạng Việt Nam kém văn minh thứ 5 thế giới. Nhưng cộng đồng mạng cụ thể là ai thì Microsoft không chỉ rõ.

Theo báo cáo mới nhất của We Are Social, tại Việt Nam, 90% người dùng Internet sử dụng Facebook. Như vậy, đây được xem là nơi cộng đồng mạng Việt Nam hoạt động nhiều nhất.

Đồng nghĩa những hành vi kém văn minh trên không gian mạng dễ thấy nhất trên Facebook. Trong đó, những nhóm (group) Facebook là nơi thường xuyên xảy ra tranh luận, chửi bới và các hành vi kém văn minh. Đây là môi trường cho phép người dùng đăng tải ý kiến để tiếp cận nhiều người cùng mối quan tâm.

Mỗi group Facebook sẽ được xây dựng và điều hành theo những chủ đề khác nhau, từ công nghệ, đời sống, kinh doanh, khoa học đến chuyện giới tính. Và nội quy của nhóm thường do quản trị viên tạo ra. Nội quy khác nhau dẫn đến cách hành xử của thành viên cũng khác nhau.

Ai cũng có thể kém văn minh trên mạng xã hội

Khi được hỏi đâu là những người thường kém văn minh trên Internet, Trần Hiệp, quản trị viên Tinh Tế, nhóm Facebook chuyên về công nghệ với hơn 280.000 thành viên cho rằng có một nhóm người thường xuyên tranh luận trên mạng xã hội nhưng đối với ông họ không tồn tại.

Ai kem van minh tren internet anh 1

Sự ẩn danh trên Internet sẽ thôi thúc người dùng thoải mái hành xử theo cách của họ. Ảnh: Reuters.

“Họ không có ảnh đại diện, không có tên thật, Facebook không chia sẻ, không hoạt động… Sự ẩn danh trên mạng đã tạo ra những người như vậy. Khi nhóm người này đi bình luận sẽ thoải mái kém văn minh. Họ có thể nói sai, chửi bới, thóa mạ mà không cần phải chịu trách nhiệm”, ông Hiệp cho biết. Một người có địa vị cao trong xã hội vẫn có thể buông lời khiếm nhã trong ảnh phụ nữ khi sử dụng tài khoản giả mạo.

Nhưng trong một số trường hợp, kể cả những tài khoản “chính chủ” đầy đủ ảnh đại diện, hình ảnh cá nhân, tên tuổi, địa chỉ… việc hành xử kém văn minh vẫn xảy ra.

“Trong các hạng mục mà Microsoft đề ra thì công kích cá nhân là dễ mắc phải nhất. Đó là cách những người tham gia tranh luận giành chiến thắng. Và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải hành vi này”, Phan Tuấn, quản trị viên nhóm chia sẻ kiến thức kinh doanh trong môi trường kỹ thuật số với gần 300.000 thành viên cho biết.

Môi trường ảnh hưởng đến sự văn minh

Theo ông Tuấn, việc người dùng có tỏ ra văn minh hay không phụ thuộc vào văn hóa của nhóm Facebook. “Cùng một cá nhân có thể chửi bới, lăng mạ trong nhóm này nhưng lại đi đấu tranh cho một giá trị đạo đức ở nhóm khác. Yếu tố môi trường quyết định khá nhiều chứ không hẳn do người đó đa nhân cách. Nước nào cũng sẽ có nhóm hành xử kém văn minh chứ không riêng gì Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.

Bản thân là người quản trị nhóm cộng đồng, ông Tuấn cho rằng khi phát hiện những bình luận công kích, kém văn minh giải pháp của ông là xóa khỏi nhóm những người này.

“Nếu có thể, tôi sẽ trao đổi, dùng kinh nghiệm, lý lẽ để dàn xếp những cuộc tranh luận hoặc đóng topic để họ không bình luận thêm. Làm vài lần như thế, các thành viên trong nhóm sẽ hiểu đây không phải là nơi để hành xử như vậy”, ông Tuấn nói.

Ai kem van minh tren internet anh 2

Bất kỳ ai cũng có thể hành xử kém văn minh trên không gian mạng nếu gặp điều kiện phù hợp. Ảnh: Getty.

Bên cạnh đó, chủ đề của từng nhóm cũng ảnh hưởng đến việc các thành viên có tỏ ra kém văn minh hay không. Một nhóm chia sẻ kiến thức học thuật, mọi người sẽ văn minh hơn các nhóm bàn về vấn đề xã hội. Là nhóm thường chia sẻ các chủ đề về xã hội, Tinh Tế có những nguyên tắc riêng để đảm bảo không có việc kích động các thành viên.

“Tinh Tế là môi trường mở nên thường xảy ra tranh luận. Nhưng vẫn có một số quy tắc phải tuân thủ. Nếu gặp các chiến dịch kêu gọi công kích cá nhân, kích động thành viên, tôi sẽ xóa bài đó”, quản trị viên Tinh Tế nói.

Thiếu thông tin, ẩn danh và nền tảng giáo dục tạo ra những người kém văn minh

Theo ông Khiêm Vũ, quản trị viên của nhóm làm nội dung YouTube với 200.000 thành viên, có hai lý do chính dẫn đến việc bất kỳ ai cũng có thể hành xử kém văn minh là thiếu thông tin và sự ẩn danh.

“Thiếu thông tin, hiểu biết về một lĩnh vực sẽ dẫn đến kết luận sai. Trong khi đó, sự ẩn danh sẽ giúp người ta tự tin thể hiện cái ‘đa nhân cách’ trên mạng”, ông Khiêm chia sẻ.

Một cá nhân được đánh giá có học thức vẫn sẽ có những mảng không hiểu, từ đó dẫn đến tranh luận, đánh giá, phán xét kém văn minh. “Vẫn có nhiều KOLs chia sẻ linh tinh, không kiểm chứng khiến những người theo dõi làm theo”, ông Khiêm nhận định.

Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin có thể dẫn đến các hành động đám đông. “Thiếu thông tin dẫn đến việc đám đông nghĩ rằng một điều gì đó đúng và làm theo mà không phản biện”, ông Khiêm nói.

Ngoài thiếu thông tin và sự ẩn danh, một yếu tố khác cũng được nhắc tới trong việc hình thành văn minh Internet là nền tảng giáo dục.

“Tôi cho rằng nền tảng giáo dục quyết định cách nhóm người đó hành xử trên mạng xã hội. Nếu đủ kỹ năng nhìn nhận vấn đề, tranh luận, kiến thức thì tự khách sẽ có sự văn minh”, ông Hiệp kết luận.

Điều gì khiến VN vào top 5 nước kém văn minh Internet nhất thế giới?

Theo khảo sát trên Zing.vn, 87% bạn đọc đồng tình với việc Microsoft xếp Việt Nam vào top 5 những nước hành xử kém văn minh trên Internet.

Trọng Hưng

Bạn có thể quan tâm