Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chuyện gì đã xảy ra ở Ohio?

Do thiếu thông tin và đăng tải nội dung mà không cân nhắc, người phụ nữ ở Ohio (Mỹ) đứng sau tin đồn dân nhập cư ăn thịt chó mèo giờ đây hối hận về hệ quả từ bài đăng của mình.

Erika Lee đăng tải bài viết rằng người hàng xóm gốc Haiti của bà có thể đã bắt cóc một chú mèo vào một ngày mùa hè êm dịu ở Springfield, Ohio.

Thời điểm đó, thành phố Springfield chưa bị kéo vào vòng xoáy của cuộc bầu cử tổng thống bởi tuyên bố của ông Donald Trump trong cuộc tranh luận trước bà Kamala Harris ở Pennsylvania.

Những tin đồn thất thiệt về việc người nhập cư Haiti ăn thịt chó mèo bị ông Trump lan truyền đã kéo theo những lời đe dọa đánh bom, làm đảo lộn cuộc sống của hơn 60.000 người dân Springfield.

Bài đăng xuất phát từ sự hiểu lầm

Ban đầu, bà Lee nghe nói rằng nhà hàng xóm bị mất trộm mèo và một trong những người nhập cư gốc Haiti có thể đã bắt chú mèo cưng này. Bà Lee đã đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook.

Tuy nhiên, sau đó, người phụ nữ 35 tuổi quyết định quay lại nhà hàng xóm để kiểm chứng lời đồn.

“Tôi đã yêu cầu bà hàng xóm đưa ra bằng chứng”, bà Lee kể lại.

Hóa ra, con mèo bị mất tích không phải là con mèo được con gái nhà hàng xóm nuôi như thông tin trong bài đăng của bà Lee. Con mèo mất tích thực ra thuộc về người quen của con gái nhà hàng xóm, theo New York Times.

“Thời điểm đó, mọi thứ dần trở nên tam sao thất bản”, bà Lee nói, cho biết thêm rằng bản thân không có bất kỳ thông tin gì về việc một con mèo bị bắt cóc.

an thit cho meo anh 1

Một góc Springfield, Ohio. Ảnh: New York Times.

Bà Lee đã nhanh chóng xóa bài đăng trên Facebook song tin đồn này đã lan đi nhanh chóng, sau đó được khuếch đại bởi JD Vance, đối tác liên danh tranh cử của ông Trump.

Ứng viên tranh cử phó tổng thống của đảng Cộng hoà lớn lên ở thành phố Middletown, chỉ cách Springfield khoảng 64 km.

Sau đó, vào ngày 10/9 (giờ địa phương), trong màn đối đầu trực tiếp trước bà Harris, cựu Tổng thống Trump đã dùng tin đồn nói trên để bẻ lái cuộc tranh luận sang vấn đề nhập cư.

“Ở Springfield, họ đang ăn thịt chó”, ông Trump nói trên sóng quốc gia. “Những người nhập cư, họ đang ăn thịt mèo, họ ăn thịt thú cưng của những người dân ở Springfield”.

an thit cho meo anh 2

Hoàng hôn ở Springfield, Ohio. Ảnh: New York Times.

Bà Lee nói với New York Times rằng bản thân cảm thấy hối hận vì bài đăng trên Facebook, kéo theo hệ quả về tình trạng phân biệt chủng tộc đang nhấn chìm Springfield trong nhiều ngày.

“Tôi lớn lên và được giáo dục chống lại sự thù ghét”, bà Lee nói. “Cả gia đình tôi đều là người đa chủng tộc. Tôi không bao giờ muốn gây rắc rối cho bất kỳ ai”.

Chính quyền địa phương đã bác bỏ tin đồn về việc người nhập cư ở Springfield bắt cóc và ăn thịt chó mèo.

Tuy nhiên, trong những ngày sau cuộc tranh luận của ông Trump, làn sóng chống người nhập cư gốc Haiti đã nổi lên ở Springfield. Nhiều tòa nhà công ở thành phố này cũng bị đe dọa đánh bom, bao gồm các văn phòng, trường học và bệnh viện.

Nguồn cơn tin đồn

Tin đồn về việc bắt cóc và ăn thịt chó mèo được cho là có liên quan đến vụ bắt giữ một phụ nữ vào tháng 8 ở Canton, Ohio, cách Springfield khoảng 200 km về phía đông.

Cụ thể, Allexis Telia Ferrell đã được báo cáo là xuất hiện kế bên xác một con mèo. Theo thông tin từ cảnh sát sở tại, bà Ferrell được tìm thấy trong tình trạng có dính máu “trên tay, chân và dính lông ở trên môi”.

Người phụ nữ 27 tuổi nói trên đã không nhận tội đối với các cáo buộc ngược đãi động vật. Một phiên toà đã được lên lịch vào tháng 10 để xác định năng lực hành vi dân sự của bà Ferrell.

Một số tờ Mỹ đưa tin rằng bà Ferrell là người nhập cư gốc Haiti. Tuy nhiên, hồ sơ khai sinh cho thấy bà sinh tại Ohio vào năm 1997, theo New York Times.

Bất chấp việc giới chức Springfield phủ nhận tin đồn thất thiệt về nạn bắt trộm và ăn thịt chó mèo, một số người dân địa phương vẫn chọn tin vào những tuyên bố không căn cứ này.

“Tôi biết tin đồn ấy là thật”, Floyd Walden (58 tuổi), đã sống ở Springfield trong nhiều năm, nói. “Cách đây vài tháng, xóm tôi có đủ loại mèo nhưng bây giờ chả thấy con nào cả”.

“Họ cần được đưa về Haiti”, ông Walden nói thêm, ám chỉ đến những người nhập cư.

Theo ước tính, 12.000-20.000 người Haiti đã di cư đến Springfield trong những năm gần đây, đa phần trong số họ bị thu hút bởi nguồn công việc dồi dào và nhà ở có chi phí thấp.

Trong khi các nhà tuyển dụng chào đón nguồn lao động mới, tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng khiến một bộ phận người dân địa phương quan ngại về nguồn lực công cho cộng đồng, đặc biệt là sau khi một em bé 11 tuổi đã tử vong vào năm ngoái do bị một người lái xe gốc Haiti đâm phải.

an thit cho meo anh 3

Chợ Creations, khu chợ do người nhập cư Haiti ở Springfield xây dựng để cung cấp nhu yếu phẩm và dịch vụ cho cộng đồng. Ảnh: New York Times.

Việc ông Trump và ông Vance hướng sự chú ý đến Springfield đã làm gia tăng những căng thẳng sắc tộc vốn có tại thành phố này, theo New York Times.

Mary Clovis, người nhập cư gốc Haiti ở Springfield, cho biết bà đã bị quấy rối trên đường đến nhà thờ.

“Giờ đây, trẻ em da trắng thấy tôi thì sẽ chạy lại nói: ‘Meo meo, bà ăn thịt mèo’”, bà Clovis kể lại. “Tôi sợ lắm, tôi không cảm thấy an toàn”.

Bà Lee cho biết bản thân thương cảm cho người Haiti và không bao giờ muốn gây đau khổ cho họ. Bà chuyển đến Springfield từ California hồi 2020, vào thời điểm một lượng lớn người Haiti bắt đầu đổ về thành phố này.

Bà Lee cho biết tình hình hỗn loạn trong vài ngày qua đã khiến bà mất ngủ.

“Tôi sống cạnh người Haiti và tôi không có vấn đề gì với họ”, bà Lee cho biết. “Với sự hỗn loạn đã diễn ra, tôi ghét bản thân mình vì đã đăng bài viết đó”.

Bất ổn bao trùm Ohio sau phát ngôn của ông Trump

Tin đồn thất thiệt về việc người nhập cư ăn thịt chó mèo ở Springfield (Ohio) được ông Trump đề cập trong cuộc tranh luận hôm 10/9 đang làm gia tăng căng thẳng sắc tộc ở bang này.

Câu nói của ông Trump về thú cưng khiến bà Harris kinh ngạc

Trên sân khấu tranh luận hôm 10/9, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã đưa ra tuyên bố vô căn cứ về việc người nhập cư ở Springfield, Ohio “ăn thịt chó mèo”.

Những con mèo có thể tạo bước ngoặt trong bầu cử tổng thống Mỹ

Khi những "quý cô nuôi mèo chứ không có con" bị đem ra bàn tán ở cả 2 bên chiến tuyến của cuộc bầu cử, những chú mèo đang trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử lần này.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm