Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai được lợi từ xăng sinh học?

Trong khi các nhà máy nhiên liệu sinh học đã khởi động nhưng không có đầu ra thì các đầu mối phân phối lại tỏ ra không mấy mặn mà, trừ các DN là “con đẻ” của tập đoàn Dầu khí VN.

Cho đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có 3/19 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kinh doanh xăng E5 với 170/13.000 đại lý, cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Vì sao một chủ trương lớn được hậu thuẫn từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan lại bị DN và người tiêu dùng thờ ơ?

Ai được lợi từ cuộc chơi này?

Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) - đầu mối kinh doanh chiếm tới 50% thị phần xăng dầu cả nước - lại tỏ ra khá thận trọng và dè dặt với chủ trương phổ cập xăng E5. Từ năm 2010 tới nay, Petrolimex đã có hàng loạt văn bản gửi các cơ quan chức năng, nêu lý do hiện còn quá thiếu các điều kiện để tiêu thụ đại trà xăng E5 ra thị trường, đặc biệt là cơ chế, chính sách để đưa sản phẩm mới ra thị trường.

Petrolimex chiếm 50% thị phần xăng dầu cả nước vẫn dè dặt với chủ trương phổ cập xăng E5.
Petrolimex chiếm 50% thị phần xăng dầu cả nước vẫn dè dặt với chủ trương phổ cập xăng E5.

Một chuyên gia về lĩnh vực này cho biết, trước những biến động về giá xăng dầu thời gian qua, người dùng đặc biệt quan tâm đến giá bán xăng E5, liệu có thấp hơn xăng A92 truyền thống? Để đầu tư kinh doanh xăng E5, các đầu mối xăng dầu buộc phải chi phí cho bồn bể, vận tải, trạm trộn để chứa riêng sản phẩm E5, chi phí đại lý của xăng E5 hiện cũng cao hơn xăng khoáng rất nhiều, đều phải được tính vào giá bán.

Chẳng hạn, Petrolimex tính toán sơ bộ với suất đầu tư trên toàn hệ thống kinh doanh xăng E5, bao gồm hơn 60 kho xăng dầu, hơn 2.000 cửa hàng trực thuộc, hơn 4.000 đại lý, tổng đại lý, phải đầu tư xây dựng mới, cải tạo bồn bể chứa E100 và E5, đầu tư công nghệ pha chế, hệ thống bơm rót xuất hàng, lắp đặt mới bể chứa tại các cửa hàng xăng dầu, đầu tư thiết bị cột bơm xăng...

Tính chung tổng mức đầu tư cho 2 giai đoạn (2014-2015 và 2016-2017) lên tới 500 tỷ đồng. Trường hợp xấu nhất, Petrolimex tính toán có thể lỗ tới trên 1.500 tỷ đồng. PV Oil trong quá trình cung cấp thử nghiệm cũng lỗ và đang đề xuất Nhà nước cơ chế bù lỗ cho xăng sinh học được bán thấp hơn giá xăng truyền thống. Nếu không có cơ chế giá bán, thì xăng E5 không ra được thị trường.

Bên cạnh đó, nguồn cung E100 và giá bán ethanol phụ thuộc chủ yếu vào mức đầu tư của các nhà máy và nguyên liệu đầu vào, nên rất khó kiểm soát, nếu giá ethanol cao vượt ngưỡng cho phép đẩy giá thành E5 lên cao. “Có biểu hiện là cơ quan quản lý đang bị động về chính sách?

Việc nóng vội đưa E5 ra thị trường không đem đến lợi ích cho DN đầu mối (do phải đầu tư lớn, chưa có cơ chế bù lỗ), người tiêu dùng (chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng)... mà chỉ có thể hiểu là để giảm lỗ cho các nhà máy nguyên liệu sinh học đã trót đầu tư, nay không có đầu ra”- chuyên gia về xăng sinh học khẳng định.

Ngập ngừng đón xăng sinh học

Từ 1/9 tới, Quảng Ngãi sẽ là tỉnh đầu tiên trên cả nước sử dụng xăng sinh học E5 RON 92 thay thế hoàn toàn xăng A92 trước lộ trình của Chính phủ. Ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị cung ứng xăng E5 RON 92 cho các nhà phân phối trên địa bàn tỉnh cho biết, dù hiện tại BSR đủ năng lực cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ xăng E5 tại Quảng Ngãi, tuy nhiên, nhà máy đang phải nhập khẩu mì nguyên liệu từ Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vì nguồn nguyên liệu trong tỉnh chưa đáp ứng được về sản lượng và chất lượng.

Để đáp ứng nguyên liệu đầu vào 240.000 tấn củ mì khô/năm, BSR đang thí điểm 2.000ha mì ở Quảng Ngãi, có chính sách hỗ trợ giống, phân bón và thu mua bằng giá thị trường cho bà con. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu này cũng đang có nguy cơ phải chia sẻ do có sự thao túng của thương lái Trung Quốc về giá.

Về giá xăng, trong lúc chờ chính sách, hiện BSR đưa ra giá bán xăng E5 RON 92 bằng giá với xăng Mogas A92, ông Giang đề xuất Chính phủ ưu tiên cho xăng E5 bằng thuế hoặc trợ giá để mỗi lít xăng sinh học có giá thấp hơn xăng thông thường 300 - 400 đồng/lít, sau đó là 600 - 700 trăm đồng/lít. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của xăng sinh học để người dân thay đổi tư duy. Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện có 150 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu đang rậm rịch chuẩn bị cho cuộc “thay máu” này.

BSR đã sử dụng xăng E5 cho các xe công và xe riêng của nhân viên công ty trong 2 năm nay, nhưng người dân thì vẫn băn khoăn xăng mới liệu có hư hại cho động cơ?

Sẽ thu thêm từ xăng khoáng để bù giá xăng sinh học

Chính phủ hiện vẫn thống nhất lộ trình đưa xăng sinh học ra thị trường theo Quyết định 53/QĐ-TTg; cho phép tiếp tục kinh doanh, cung ứng sản phẩm xăng khoáng ( , RON 95) cùng với xăng sinh học (E5, E10) theo lộ trình giảm dần thích hợp. Về giá, giao Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng phương án thành lập Quỹ Khuyến khích phát triển nguyên liệu sinh học và tạo cơ chế thu thêm từ các loại xăng khoáng để bù cho xăng sinh học, tạo chênh lệch giá hợp lý khuyến khích người sử dụng.

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/ai-duoc-loi-tu-xang-sinh-hoc-225707.bld

Theo Hồng Quân - Phương Uy/ Lao động

Bạn có thể quan tâm