Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai được lợi khi vàng 'phi' SJC có cửa mua bán?

Động thái “mở cửa” cho vàng “phi” SJC mua bán với Ngân hàng Nhà nước có hiệu ứng tích cực bình ổn giá vàng nhưng cũng khiến những người bán tháo trước đây cảm thấy thiệt thòi.

Ai được lợi khi vàng 'phi' SJC có cửa mua bán?

Động thái “mở cửa” cho vàng “phi” SJC mua bán với Ngân hàng Nhà nước có hiệu ứng tích cực bình ổn giá vàng nhưng cũng khiến những người bán tháo trước đây cảm thấy thiệt thòi.

Tối 12/3, thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua bán vàng "phi" SJC gây xôn xao thị trường. Người dân đã trót bán vàng “phi” SJC để chuyển sang SJC thì tức tưởi, còn những doanh nghiệp kinh doanh vàng không phải SJC phải bán rẻ hơn SJC cả triệu đồng mỗi lượng lại “mở cờ” vì suốt thời gian qua, tâm lý “chỉ mua vàng SJC” bao trùm thị trường khiến cho doanh nghiệp cũng “ngồi trên lửa”.

Bán hơn 10 lượng vàng rồng Thăng Long của công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu tại thời điểm giá chỉ hơn 41 triệu đồng/lượng và mua lại vàng SJC với giá hơn 43 triệu đồng, sau khi nghe thông tin trên, chị Nguyễn Thị Hoa, nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) không khỏi uất ức. Chị kể, giai đoạn bán vàng, thị trường xôn xao thông tin sẽ chỉ có SJC được sản xuất vàng miếng. Theo tâm lý đám đông, chị cũng tức tốc chuyển đổi 10 lượng vàng rồng Thăng Long sang vàng miếng SJC, chịu chênh lệch lên tới gần 20 triệu đồng. “Giờ Ngân hàng Nhà nước lại công bố có thể mua, bán vàng miếng không phải SJC với các thương hiệu khác, giảm bớt tính ‘độc quyền’ của SJC thì người dân chúng tôi bị thiệt thòi nhất”, chị Hoa bức xúc.

 

 Những người đã chuyển đổi vàng "phi" SJC sang SJC bức xúc vì việc Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ mua bán vàng miếng không phải SJC trong thời gian tới, khi thị trường có nhu cầu.

Tác động rõ nét nhất đến thị trường là sáng 13/3, giá vàng “phi” SJC tăng mạnh, đặc biệt chiều bán ra. Mức tăng mạnh và nhanh hơn vàng SJC, khiến chênh lệch với giá thế giới của vàng các thương hiệu không phải SJC tăng từ hơn 2 triệu lên vùng 3 triệu đồng/lượng. Theo giải thích của Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu, ông Vũ Minh Châu, giá tăng là do ảnh hưởng của cung cầu. Trước kia, vàng SJC chiếm vị trí độc tôn, các thương hiệu khác lép vế nên giá bán thấp hơn, nhưng nếu như Ngân hàng Nhà nước “mở cửa” cho các thương hiệu không phải SJC thì người mua sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn- SJC cho biết, có hiện tượng người mang 1.000-2.000 lượng vàng thương hiệu khác đến dập đúc thành vàng SJC, sẵn sàng chịu chi phí 50.000 đồng/lượng. Chưa tính chênh lệch giá SJC và "phi" SJC phổ biến 1 triệu đồng/lượng, chỉ riêng chi phí dập đúc, với số vàng nói trên, người nắm vàng đã mất 50-100 triệu đồng/lần. Bản thân ông, nếu là người cầm vàng "phi" SJC, cũng sẽ chuyển đổi sang SJC cho "yên tâm".

Dễ nhận thấy các doanh nghiệp kinh doanh vàng “phi” SJC vui mừng đến mức độ nào. Tổng giám đốc một đơn vị kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, đây là điều tốt cho thị trường, khi mà giá vàng của SJC bớt đi tính “độc quyền, độc tôn” thì người dân được quyền lựa chọn các thương hiệu như trước đây. Ông nói, thông điệp trên của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để vàng “phi” SJC được lưu thông trên thị trường, người dân có thêm hàng hóa để mua, còn doanh nghiệp có thêm thanh khoản. Hơn nữa, mục tiêu bình ổn giá vàng có thể đạt được, vì SJC khi thấy các thương hiệu kia bán giá thấp cũng sẽ phải cạnh tranh neo giá xuống. Vị lãnh đạo này cũng tỏ ra thông cảm với người dân khi phải chịu thiệt hại do chênh lệch giá lúc chuyển đổi, song ông nói, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng phải chịu hậu quả từ việc chuyển đổi này. "Cũng nên thông cảm với Ngân hàng Nhà nước và nên cho rằng đây là động thái linh hoạt trong chính sách", vị tổng giám đốc nói trên chia sẻ.

Giới chuyên gia đang có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể nhìn nhận động thái nói trên của Ngân hàng Nhà nước theo 2 hướng tích cực và tiêu cực. Điểm tích cực là thị trường sẽ có thêm nhiều nguồn cung hơn khiến cho cung cầu quân bình. Ngược lại, điểm tiêu cực nhìn thấy là người dân, nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi chính sách thay đổi, dẫn đến tâm lý bức xúc và câu hỏi ai sẽ là người bù trừ cho tổn thất của họ khi nắm giữ vàng “phi” SJC trước đây. Với một số ý kiến cho rằng ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước đồng ý mua bán vàng miếng “phi” SJC như một kiểu công nhận, thì giá vàng sẽ vẫn “đua nhau” cao hơn giá thế giới, chuyên gia này nhận định, chưa đảm bảo khi cho SJC hết “độc quyền”, giá đã sát với giá thế giới. Vấn đề chính của thị trường không phải là đâu là cái tên thương hiệu quốc gia, mà là cung cầu, hiện nay, cầu vẫn lớn hơn cung, giá trong nước và quốc tế không liên thông nên khoảng cách này vẫn chưa thu hẹp là điều không khó hiểu.

Một chuyên gia khác trong lĩnh vực kinh doanh vàng thì nhận định, chính sách nào cũng sẽ không thỏa mãn được tất cả các thành phần tham gia, có thể gây hại cho nhóm này, tạo lợi cho nhóm kia. Trường hợp nói trên, người dân, nhà đầu tư và bản thân doanh nghiệp sẽ chịu những thiệt hại. Dù thế, vị này cho biết tin vào mục đích trong sáng và cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước là quản lý thị trường và bình ổn giá vàng. Lý do là thị trường vàng Việt Nam vẫn còn giai đoạn khởi đầu, hành trình để quản lý kim loại này mới chỉ là bước đầu, còn vấn đề cốt lõi vẫn là giá trong nước và thế giới cần được liên thông, trong nước cần đáp ứng đủ nhu cầu. “Tuy vậy, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước chỉ nên tham gia thị trường vàng trong một thời gian nhất định, đến khi trật tự được lập lại thì nên rút, tránh trường hợp ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’”, vị chuyên gia nói trên bình luận.

Tính đến chiều 13/3, giá vàng SJC mua vào trên 44 triệu đồng, bán ra 44,1 triệu đồng. Còn các loại vàng “phi” SJC có mức giá bán ra thấp hơn SJC khoảng 1 triệu đồng, ở vùng trên 43 triệu đồng/lượng. Chênh lệch với vàng quốc tế của SJC là hơn 3,9 triệu đồng, còn của vàng “phi” SJC là hơn 2,9 triệu đồng/lượng.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm