Xuất hiện tại Mỹ lần đầu vào năm 1988 với tên gọi Lotto America, chương trình xổ số có mức trả thưởng kỷ lục nhất trong lịch sử được đổi tên thành Powerball vào ngày 19/4/1992. Là cuộc chơi xổ số mang tính quốc tế nên Powerball thu hút không chỉ người Mỹ bản địa mà cả những người di cư đang mong chờ vào một phép màu nhằm thay đổi cuộc sống. Hiện xổ số Powerball có mặt tại 43 bang, thủ đô Washington và 2 vùng lãnh thổ của Mỹ.
Tỷ lệ trúng giải độc đắc 1/292,2 triệu, thấp hơn khả năng một người có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ tới 25 lần. Tuy nhiên, với nguyên tắc giá trị giải thưởng sẽ càng tăng cho tới đợt quay số tiếp theo nếu chưa tìm được người chiến thắng, người chơi có cơ hội sở hữu số tiền cực lớn để đổi đời.
Điều này cũng tạo ra mức doanh thu khổng lồ cho các cửa hàng bán vé số. USA Today trích lời của Gary Grief, Giám đốc điều hành xổ số Texas cho biết trong đêm ngày 13/1, cứ mỗi phút bang này bán được 1,2 triệu USD tiền vé xổ số.
Vé xổ số của Powerball. Ảnh: Reuters. |
Đợt quay số Powerball này bắt đầu từ ngày 4/11/2014 với tổng giải thưởng ban đầu chỉ là 40 triệu USD. Sau 18 lần quay số không tìm ra người trúng giải, giá trị của dãy số may mắn đã lên tới 1,5 tỷ USD. Người trúng giải sẽ được gần 930 triệu USD nếu chọn nhận tiền luôn thay vì trả dần trong vòng 29 năm.
Theo quy định, phần lớn số tiền từ bán vé số sẽ trả cho người thắng cuộc. 10% thường dùng để trả các chi phí liên quan, bao gồm cả hoa hồng trả cho người bán vé, và phần còn lại sẽ nhập vào quỹ dành riêng cho giáo dục địa phương.
Tuy nhiên, NBC News dẫn lời Lucy Dadayan, một nhà phân tích chính sách cao cấp tại Nelson A. Rockefeller Institute cho biết, doanh thu phát sinh từ xổ số kiến thiết tác động không đáng kể tới quỹ chi tiêu cho giáo dục tại các bang.
Tại Virginia, mỗi chiếc vé xổ số đều ghi dòng chữ "Hỗ trợ cho hệ thống trường công của Virginia" phía sau. Theo đó, 30% doanh số bán vé (khoảng 534 triệu USD trong năm 2015) sẽ đươc chuyển cho 12 trường công lập tại bang này.
"Các nhà lập pháp lên phương án ngân sách cho giáo dục, và phần thu từ xổ số cũng nằm trong dự toán này", John O'Neil, giám đốc truyền thông của Hiệp hội Giáo dục Virginia nói. Điều này cũng được Charles Pyle, phát ngôn viên của Phòng Giáo dục Virginia, khẳng định lại.
Chỉ tính trong năm 2014, hơn 18 tỷ USD đã được bổ sung vào ngân sách các bang trên khắp nước Mỹ nhờ vào hệ thống giải thưởng xổ số. Mỗi tiểu bang của Mỹ có một Ủy ban chuyên giám sát các khoản chi tiêu liên quan đến số tiền này.
Nhưng các chuyên gia về tài chính công vẫn chưa bằng lòng với cơ chế thu chi liên quan tới doanh thu từ xổ số hiện tại. Họ cho rằng các khoản chi tiêu từ tiền thuế thu của người thắng cuộc chưa được minh bạch.
Dù còn rất nhiều tranh cãi xung quanh các chương trình xổ số của Mỹ nhưng không thể phủ nhận xổ số mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương, đủ để tài trợ cho những dự án lớn về giáo dục. Ross Rubenstein, một giáo sư về quản lý và chính sách công tại Đại học bang Georgia chia sẻ rằng hơn 6,4 tỷ USD học bổng tài trợ cho chương trình hỗ trợ sinh viên HOPE đến từ nguồn thu từ xổ số.
"Những chương trình này không tồn tại mà không có vé số. Không quan trọng tiền đến từ đâu, điều quan trọng là nó đủ để hỗ trợ các trường học có chất lượng" Rubenstein nói.