Chatbot AI trên TV chạy bản webOS mới. |
Trong cơn sốt AI ở ngành công nghệ toàn cầu, các nhà sản xuất TV cũng nhanh chóng bổ sung nó cho thiết bị của họ. Đầu năm Samsung giới thiệu loạt TV được dán nhãn AI, với các chức năng vận hành dựa trên con chip có trí tuệ nhân tạo truyền thống như tối ưu hình ảnh, tiết kiệm năng lượng.
LG lại chọn khai thác các công cụ trí tuệ tạo sinh, tích hợp sâu vào hệ điều hành webOS mới ra mắt. Ứng dụng của giải pháp này là khả năng tương tác của người dùng được mở rộng, nhiều chức năng phức tạp chạy tự động hóa, tối ưu quy trình.
AI tạo sinh trên TV
TV vốn là thiết bị được dùng ở khoảng cách xa, tương tác chủ yếu bằng điều khiển. Có các giải pháp hỗ trợ, nhưng phương thức này vẫn tồn tại nhiều điểm yếu. LG giải quyết nhiều vấn đề nói trên trong quá trình sử dụng TV bằng AI tạo sinh.
Hãng bổ sung công cụ tinh chỉnh hình ảnh bằng AI. Người dùng chọn những cách xử lý mình thích trong các phiên bản được phần mềm cung cấp. Từ nhiều kết quả, trí tuệ nhân tạo tính toán để đưa ra cách tinh chỉnh sắc độ, tương phản, màu sắc phù hợp.
AI chỉnh màu TV bằng cách phân tích sở thích của người dùng. |
TV LG cũng được bổ sung một chatbot AI, xử lý bằng mô hình ngôn ngữ lớn. Thiết bị tự động thực hiện tác vụ chỉ bằng cách ra lệnh. Ví dụ, khi khách hàng nói “màn hình tối quá”, độ sáng sẽ tự động thay đổi. Đồng thời, những lựa chọn khác cũng được đưa ra, dễ dàng chọn bằng điều khiển từ xa.
Nhà sản xuất cũng gộp tính năng nhận diện giọng nói trên Smart Remote vào bộ công cụ AI vừa ra mắt. Đây vốn là một chức năng trí tuệ nhân tạo riêng lẻ của TV, chuyên xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Thiết bị cũng thu thập các dữ liệu tìm kiếm, thói quen xem, lịch trình thời gian, xu hướng nội dung thịnh hành để đưa ra các gợi ý phù hợp. LG gọi đây là AI Concierge, được kích hoạt bằng cách nhấn nhanh vào nút trợ lý giọng nói trên điều khiển.
Doanh thu từ dịch vụ
Tuy nhiên, các chức năng AI tạo sinh trên TV LG hầu hết phải hoạt động dựa trên máy chủ, cần kết nối Internet, có thể bị ảnh hưởng bởi đường truyền. Đây là giải pháp hợp lý trong giai đoạn đầu phát triển trí tuệ nhân tạo cho TV, khi bản webOS này sẽ hỗ trợ cả những dòng cũ, ra mắt từ 2023.
Công cụ cũng chỉ hỗ trợ tiếng Anh, tại một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, đại diện LG Global cho biết họ có kế hoạch mở rộng danh sách hỗ trợ trong thời gian tới. Đây nhiều khả năng là mũi nhọn mà hãng tập trung ở tương lai gần nhằm mang lại nguồn thu ổn định. Riêng mảng dịch vụ TV ước tính sẽ giúp nhà sản xuất Hàn Quốc thu về 1.000 tỷ won (760 triệu USD) trong năm nay.
LG muốn phát triển thêm mảng dịch vụ phần mềm trên TV, ngoài việc bán phần cứng. |
Hãng này cam kết cập nhật phần mềm lên 4 năm, điều ít thấy trong ngành. Việc này có thể khiến khách hàng ít nâng cấp TV thường xuyên, nhưng lại tốt cho việc bán dịch vụ đi kèm. LG cũng không giấu tham vọng lấn sân sang mảng Cloud Gaming, bằng cách hợp tác với MediaTek và Razer, phát triển loại tay cầm độ trễ siêu thấp, để chơi qua đám mây.
Theo các báo cáo toàn cầu, LG hiện xếp thứ 4 trong danh sách các nhà sản xuất TV lớn nhất, sau Samsung, Hisense và TCL. Tuy nhiên, họ dẫn đầu trong mảng TV OLED với gần 50% thị phần. Việc không có doanh số tổng quá lớn xuất phát từ việc hãng không cung cấp lựa chọn ở tầm giá bình dân, tập trung cho giải pháp OLED đắt tiền.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một "siêu trợ lý" thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.