"Đôi lúc em bị phỏng miệng và cháy tóc khi thổi lửa. Lúc đầu em còn sợ, nhưng bây giờ đã quen nên không sợ nữa. Gia đình biết em làm nghề này nhưng ba mẹ cũng không nói gì", em T. vừa nói với phóng viên, vừa từ vỉa hè nhanh nhẹn đi bộ ra cột đèn giao thông ở giữa giao lộ Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) để bắt đầu công việc.
Khi dòng xe đông đúc dừng lại, T. cầm một thanh kim loại được bọc chỉ ở đầu rồi đưa lên trước mặt, thuần thục phun dầu ngậm trong miệng tạo nên một làn lửa. Sau đó, T. cúi lưng xin tiền người đi đường.
Em T. có dáng người nhỏ con so với tuổi. Cậu kể năm nay 15 tuổi, đã làm nghề thổi lửa kiếm sống được 5 năm. Người dạy T. thổi lửa là anh trai và giờ đây người anh cũng theo cậu mỗi lần đi làm. "Lúc bắt đầu hành nghề cũng là lúc em dừng việc học. Tùy vào lòng hảo tâm của người đi đường, em có thể kiếm được khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi ngày", T. tâm sự.
Vất vả mưu sinh
Giữa những khu phố vui chơi giải trí nổi tiếng tại TP.HCM như Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Vĩnh Khánh (quận 4), không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ em dưới tuổi vị thành niên mưu sinh bằng nghề phun lửa từ đêm tới rạng sáng.
Dụng cụ hành nghề của các em là lon sữa, chai dầu, thanh kim loại. Khoảng 20h, khi dòng người đi chơi bắt đầu đông đúc cũng là lúc các em bắt đầu biểu diễn, nhiều trẻ ngậm lửa vào miệng dưới sự ngạc nhiên của người đi đường.
Em T. hành nghề múa lửa trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Ảnh: Vân Trang. |
Là chủ tiệm thuốc ngay phố Bùi Viện, ông Hồng Đức (phường Phạm Ngũ Lão) nhiều năm nay chứng kiến các em làm đủ nghề mưu sinh như bán kẹo cao su, vé số, trái cây... trên con phố nổi tiếng. Song, người đàn ông cảm thấy nghề múa lửa là nguy hiểm nhất.
Tôi không biết số tiền này có đến tay các em hay bị đối tượng chăn dắt lấy mất.
Ông Hồng Đức
"Ngậm và hít dầu hôi sẽ ảnh hưởng nhiều tới hệ tiêu hóa, hô hấp, chưa kể nguy cơ bỏng nặng. Tôi thấy thương nên đôi khi cũng cho các em chút tiền. Tuy vậy, tôi không biết số tiền này có đến tay các em hay bị đối tượng chăn dắt lấy mất", ông Đức tâm sự.
Băn khoăn của ông Đức cũng là nỗi lo của nhiều người. Vừa thương các em nhỏ vất vả kiếm sống, nhiều người lo lòng tốt của mình bị lợi dụng.
"Cho tiền 1-2 lần chưa hẳn là giúp các em. Quan trọng là cơ quan chức năng phải có giải pháp cụ thể để trẻ em được đến trường. Đó mới là điều quan trọng nhất giúp thay đổi tương lai các em”, Thanh Thương (khách ăn uống ở đường Vĩnh Khánh) nhìn nhận.
Nguy hiểm
Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao - Bệnh phổi (Bệnh viện Quân y 175), cho biết có một thuật ngữ trong y học nói về tình trạng tổn thương hệ hô hấp, dẫn đến bệnh viêm phổi do biểu diễn múa lửa. Tình trạng này chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân hít hay bị sặc dung dịch xăng, dầu lúc ngậm vào miệng trong quá trình biểu diễn múa lửa.
Ông Công lý giải xăng, dầu có đặc tính trọng lượng phân tử nhẹ, dễ bay hơi, sức căng bề mặt thấp. Khi bệnh nhân bị sặc xăng, dầu vào đường hô hấp, chất này sẽ khuyếch tán nhanh, gây tổn thương lớp nhầy của đường thở. Khi đó, xăng, dầu sẽ kích thích phản ứng viêm, gây tổn thương các niêm mạc, đặc biệt có thể gây tổn thương lan rộng màng phế nang mao mạch. Từ đó dẫn đến tình trạng viêm phổi, thậm chí phù phổi, suy hô hấp của người bệnh.
Bác sĩ Công cho biết đơn vị từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị viêm phổi do hít phải xăng, dầu. Một số triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí ho ra máu, sốt do phản ứng viêm. Đặc biệt có trường hợp phải điều trị hồi sức do tình trạng viêm lan rộng ra hai phổi gây suy hô hấp cấp tính.
"Không nên ngậm hay biểu diễn xăng, dầu đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Bởi đây là hóa chất độc hại, tiềm ẩn nguy hiểm khi người bệnh hít hay nuốt vào đường hô hấp", ông Công nói, đồng thời cho biết nếu nuốt xăng, dầu vào dạ dày có thể gây ngộ độc tiêu hóa, thấm vào máu gây tổn thương hay ngộ độc hệ thần kinh.
Ông Công cũng lưu ý những gia đình đang lưu trữ xăng, dầu, người lớn cần đặt các dung môi này ở chỗ xa tầm với, tránh khả năng trẻ em tiếp cận để bảo vệ an toàn.
Một trẻ dưới tuổi vị thành niên múa lửa xin tiền thực khách tại phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4). Ảnh: Anh Nhàn. |
Trong khi đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư (thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em tại TP.HCM), cho biết khi trẻ em phải hành nghề múa lửa mưu sinh, về lâu dài các em sẽ bị thiệt thòi rất lớn trong sự phát triển chung của xã hội. Việc thiếu kiến thức văn hóa do phải mưu sinh từ nhỏ có thể khiến trẻ em đường phố bị đưa đẩy, dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
"Truyền thông nên quan tâm truyền tải thông điệp bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần làm rõ liệu có ai đứng phía sau bóc lột sức lao động của các em hay không", bà Nữ nói.
Việc thiếu kiến thức văn hóa do phải mưu sinh từ nhỏ có thể khiến trẻ em đường phố bị đưa đẩy, dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
Luật sư Ngọc Nữ
Hiện Hội bảo vệ quyền trẻ em tại TP.HCM đang triển khai các chương trình, đảm bảo việc tư vấn cũng như bảo vệ quyền lợi cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại đến quyền cũng như tính mạng, sức khoẻ.
Nếu biết trường hợp trẻ em bị lợi dụng múa lửa để đem lợi ích cho người khác, chi hội sẽ phân công người phối hợp và đề nghị các cơ quan xử lý, đảm bảo tốt nhất cho trẻ em.
Bà Nữ cũng cho biết các địa phương cần kịp thời khảo sát qua mạng lưới tổ dân phố, khu phố... để nắm bắt những trường hợp trẻ em múa lửa mưu sinh. Từ đó, lãnh đạo địa phương đưa ra hướng giúp đỡ, phối hợp để giúp gia đình các em có công việc bền vững. Đối với trẻ em mồ côi, thiếu người nuôi dưỡng thì cần đưa các em vào trung tâm xã hội để có cơ hội học tập.
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.