Trên YouTube, kênh dành cho trẻ em có lượt xem nhiều nhất sở hữu một video với cảnh em bé, được dựng bằng đồ họa, tắm trong bồn và hát theo bài “Baby Shark”. Video này của kênh CoCoMelon hiện đã có 1,4 tỷ lượt xem, giúp chủ kênh kiếm được hàng triệu USD từ tiền quảng cáo.
Trong top 10 kênh nổi tiếng khác dành cho trẻ em, những dạng nội dung khác lại thu hút nhiều lượt xem, như clip bóc hộp hay đánh giá đồ chơi. Mặc dù khác nhau về mặt nội dung, các kênh này đều có điểm chung: rất khó tìm được ai đứng đằng sau chúng.
Những nhà sáng tạo ẩn danh
YouTube không yêu cầu những người sáng tạo nội dung phải cung cấp tên thật, và với nhiều chủ kênh thật khó xác định được họ hoạt động từ quốc gia nào. Ví dụ ở kênh “Kids Diana Show”, với các nội dung về đồ chơi, chủ kênh cho biết họ hoạt động tại Mỹ trong phần thông tin, nhưng kênh này lại thường xuyên chèn đường dẫn tới các trang web Nga.
Bath Song, video nổi tiếng nhất của kênh CoCoMelon có tới 1,4 tỷ lượt xem trên YouTube. |
Một trong những điểm thu hút nhất của YouTube là họ cho phép bất kỳ ai cũng có thể tải video lên nền tảng của mình. Tuy nhiên mô hình hoạt động đó đang vấp phải những phản đối từ nhà làm luật và chính sách. Vấn đề này sẽ rất nghiêm trọng với những nội dung hướng đến trẻ em, khi chúng không có được sự bảo vệ trên YouTube giống như các kênh truyền thống.
Việc khó xác định được ai là người đứng sau các kênh cho trẻ em khiến cho nền tảng này “càng thêm thiếu trách nhiệm”, theo nhận định của Josh Golin, giám đốc chiến dịch vận động không quảng cáo hướng tới trẻ em.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định việc hoạt động ẩn danh trên YouTube là một lá chắn cho những công ty chuyên sản xuất nội dung. Được gọi là “trại nội dung”, những công ty này tập trung sản xuất một lượng rất lớn video, mang những yếu tố để thu hút trẻ em.
YouTube cho biết bất kỳ ai sở hữu một tài khoản Google đều có thể tải nội dung lên, còn để nhận tiền quảng cáo họ chỉ cần xác nhận một số chi tiết như địa chỉ và số điện thoại. Công ty này cho biết họ tập trung quản lý nội dung nhiều hơn là quản lý nhà sáng tạo, và họ cũng cung cấp những hướng dẫn để tạo ra các video an toàn với trẻ em.
Wall Street Journal đã tìm cách liên lạc 10 kênh YouTube trẻ em đứng đầu trong danh sách của Social Blade, nhưng không thể tiếp cận tới 9 kênh. Trong số đó, 7 kênh không hề trả lời email và điện thoại hoặc không thể tìm thông tin liên lạc, 2 kênh từ chối trả lời phỏng vấn.
Kênh duy nhất các phóng viên có thể tiếp cận là El Reino Infantil, một kênh nhạc hoạt hình tiếng Tây Ban Nha. Giám đốc của công ty, ông Roberto Pumar cho biết mình đã làm trong ngành nhạc hơn 30 năm và công ty có 60 nhân viên.
“Nhưng không phải ai cũng vậy. Nhiều người đơn giản là gặp may được một công thức thành công, và video cứ thế nổi tiếng thôi”, ông Pumar cho biết.
Các yếu tố như đồ họa 3D, nhân vật được trẻ em yêu thích và nhiều màu sắc thường được các kênh tận dụng để làm video thu hút trẻ em. |
Những kênh đứng đầu đều có doanh thu rất lớn. Theo ước tính của Social Blade, kênh đứng đầu trong danh sách là CoCoMelon có thể thu được tới 120 triệu USD mỗi năm từ quảng cáo. Sức ảnh hưởng của họ không chỉ đến từ doanh thu. Nhiều kênh khác cũng sao chép nội dung của họ để hy vọng YouTube sẽ có lúc gợi ý video và đem người xem đến.
Kênh CoCoMelon được mở từ tháng 9/2006. Phần giới thiệu cho biết mục tiêu của họ là “tạo ra những trải nghiệm học hỏi vui vẻ cho trẻ em, bằng cách tạo ra các video đồ họa 3D đẹp, bài hát ý nghĩa và vui vẻ”.
Đến năm 2018, kênh này mới thực sự thành công khi lượt xem trong năm đạt tới 1,96 tỷ, trong khi năm 2017 chỉ là 123 triệu. Hiện nay kênh CoCoMelon có 43 triệu người đăng ký.
Thế nhưng dường như kênh này hoàn toàn ẩn danh. Các tin nhắn gửi tới trang web công ty không có ai phản hồi. Treasure Studio, công ty xuất hiện trong phần giới thiệu của CoCoMelon không thể tiếp cận qua điện thoại. Việc tiếp cận những nhân viên của công ty trên Facebook hoặc LinkedIn, theo như hồ sơ của họ trên mạng xã hội này, cũng không mang lại kết quả nào.
Đối với những chương trình truyền hình trước đây, danh tiếng của đơn vị sản xuất có thể là điều đảm bảo đối với những bậc cha mẹ. Tuy nhiên trên YouTube thì việc xác định khó hơn. Theo Wall Street Journal, chủ nhân một kênh chuyên bóc hộp đồ chơi từng là ngôi sao phim người lớn. Một số chủ kênh khác từng gặp cáo buộc về lạm dụng hoặc bạo lực với trẻ em.
"Bảo mẫu" YouTube và những nội dung khai thác sự tò mò của trẻ em
Nội dung miễn phí, sẵn có khiến cho YouTube trở thành một “bảo mẫu” đối với nhiều bậc phụ huynh. Theo một khảo sát do Pew Research Center thực hiện năm 2018, 81% phụ huynh có con dưới 11 tuổi cho phép con xem YouTube, và 34% thường xuyên cho con xem.
Nhiều phụ huynh chỉ cảm thấy khó chịu khi nhận ra rằng có những loại nội dung trên YouTube có những công thức chung để thu hút sự chú ý của trẻ em đặc biệt hiệu quả. Cô Johanna Peyton, ở Texas có 3 đứa con. Ban đầu cô sử dụng YouTube để các con đỡ làm phiền mình, nhưng sau đó bắt đầu để ý hơn khi con gái cô, 2 tuổi, tỏ ra cực kỳ thích thú với mọi video mở trứng có quà bên trong.
“Tôi bắt đầu thấy lo lắng khi nhận ra rằng có những người làm việc vất vả chỉ để cho ra những video như thế này, và rõ ràng là họ cố tình cho càng nhiều trứng xuất hiện càng tốt. Tôi bắt đầu nghi ngờ động cơ của họ. Thực sự tôi thấy rất lạ khi có người chọn công việc này”. Giờ đây, cô Peyton không còn cho con xem YouTube nữa.
Nhiều bậc phụ huynh coi YouTube là “bảo mẫu” của con em mình, giúp cho mình có nhiều thời gian rảnh. Ảnh: Getty. |
Theo một đại diện của YouTube, một trong những lý do họ xây dựng YouTube Kids, ra mắt năm 2015, là để dễ dàng kiểm soát nội dung hướng tới trẻ em. Trên ứng dụng này, cha mẹ có thể chọn các kênh cụ thể, an toàn mà họ muốn cho con mình xem như Sesame Street hay PBS Kids.
“Bảo vệ trẻ em và gia đình là mục tiêu tối thượng của chúng tôi”, người đại diện này trả lời trên Wall Street Journal.
Mặc dù YouTube luôn nói rằng họ không muốn trẻ em dùng ứng dụng bản thường, các chuyên gia nhận định đây mới là nơi các kênh kiếm được nhiều tiền nhất từ trẻ em. Trong vài năm trở lại đây, YouTube liên tục đối mặt với sự chỉ trích khi thiếu kiểm soát nội dung trên nền tảng này.
Vào tháng 2/2019, YouTube nói họ sẽ tắt tất cả các bình luận trong video có trẻ em, sau khi một nhà sáng tạo lên tiếng về các bình luận độc hại trên những video có diễn viên là các em bé.
Các yếu tố đó thường được lặp đi lặp lại trong các video của họ: các bài hát được em bé yêu thích như “Wheels on the Bus” và “Baby Shark”, hình ảnh trẻ em giả vờ chơi đùa, hoặc các bàn tay dạy về màu sắc, với kẹo M&Ms hay Skittles.
Các chuyên gia về thuật toán và tối ưu tìm kiếm nhận xét những kênh càng thu hút người dùng ở lại lâu, thể hiện ở thời gian xem, thường xuyên tải lên video mới và đặt từ khóa để tìm kiếm chuẩn thì càng được YouTube ưu tiên.
“Điểm chung của những video này là chúng không có tính giáo dục”, Renée Chernow-O’Leary, một chuyên gia giáo dục và từng là giám đốc nghiên cứu tại Sesame Street nhận định.